PGS.TS. Nguyễn Hoa Du

         Làm thế nào để cải thiện việc dạy học ở đại học? Năm 1987 Arthur W. Chickering và Zelda F. Gamson đã trả lời câu hỏi này trong bài viết “Bảy nguyên tắc thực hành tốt dạy học đại học” (Seven Principles for Good Practice in Undergraduate Education), trong đó họ đưa ra định nghĩa dạy tốt ở đại học là gì. Bảy nguyên tắc này dựa trên nghiên cứu về dạy và học tốt ở bậc đại học trong 50 năm kinh nghiệm thực tiễn của sinh viên và giảng viên.

Các nguyên tắc này được coi như những chỉ dẫn cho các giảng viên, sinh viên và nhà quản lý giáo dục đại học nhằm cải thiện việc dạy và học. Khi áp dụng cả bảy nguyên tắc, có sáu sức mạnh khác trong dạy học được biểu hiện: hoạt động, kỳ vọng, hợp tác, tương tác, đa dạng, trách nhiệm. Thực hành tốt dạy học đối với một chương trình chuyên môn cũng giống như nghệ thuật được khai phóng. Các nguyên tắc này áp dụng được đối với các đối tượng sinh viên khác nhau. 

Giảng viên và sinh viên là những người có trách nhiệm nhất đối với việc nâng cao chất lượng dạy học đại học, nhưng dù vậy việc cải thiện này cần phải được thực hiện bởi các nhà lãnh đạo trường đại học và quản lý nhà nước để kết hợp tất cả những nguồn lực có thể. Khi đó, giảng viên và nhà quản lý đều cùng tự suy nghĩ như những nhà giáo dục có cùng mục đích. Các nguồn lực trở nên sẵn sàng cho sinh viên, giảng viên và quản lý để làm việc cùng nhau.

Mục đích của  bảy nguyên tắc này là chuẩn bị cho sinh viên làm việc trong một thế giới thực.

Nguyên tắc 1: Khuyến khích sự tiếp xúc giữa giảng viên và sinh viên:

Xây dựng tốt mối quan hệ với sinh viên là điều rất quan trọng. Việc tiếp xúc giữa sinh viên và giảng viên là sự sống còn cho thành công của sinh viên. Một trong những nguyên nhân sinh viên bỏ trường là họ cảm thấy phải chịu đựng sự tách biệt. Sự quan tâm của giảng viên sẽ giúp sinh viên vượt qua những thời điểm khó khăn và giúp họ làm việc. Giảng viên có thể theo nhiều con đường để truyền thông về mối quan tâm của họ đối với sinh viên.

Chỉ dẫn:

+ Mời sinh viên tham quan bên ngoài lớp học

+ Biết tên sinh viên

+ Giúp đỡ những sinh viên có khó khăn trong các hoạt động ngoại khóa (ngoài giờ lên lớp)

+ Cá nhân hoá thông tin phản hồi về đánh giá sinh viên

+ Tham dự các sự kiện của sinh viên

+ Tư vấn cho sinh viên về các môn/khóa học và cơ hội nghề nghiệp

+ Phát hiện các sinh viên mà giảng viên cảm thấy họ đang có khó khăn với môn học hoặc thường xuyên vắng mặt

+ Khuyến khích sinh viên trình bày quan điểm của họ và tham gia thảo luận trên lớp

+ Có giờ làm việc hành chính để sinh viên có cơ hội gặp gỡ

+ Giúp sinh viên làm việc với giảng viên khác. Cho họ biết về những lựa chọn, nghiên cứu,… của giảng viên khác

+ Chia sẻ với sinh viên về kinh nghiệm cá nhân và các giá trị

+ Sử dụng “bài một phút” cuối giờ để lấy phản hồi về nội dung và cách học của sinh viên

+ Nói chuyện với sinh viên ở khía cạnh cá nhân và tìm hiểu về mục tiêu học tập và nghề nghiệp của họ

Công nghệ ngày nay (như e-mail, hội thảo qua mạng và web/Internet) tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên và giảng viên để hội thoại với nhau rất hiệu quả, thuận tiện và được bảo mật. Nó cho phép đảm bảo tính riêng tư hơn và sinh viên có thể thảo luận cởi mở hơn mà không sợ xấu hổ bị sinh viên khác nghe thấy. E-mail cũng cho sinh viên nhiều thời gian hơn để trình bày những điều cần nói. Với những lựa chọn công nghệ như vậy thay cho đối diện, sẽ tăng cường sự tương tác giữa nhiều sinh viên hơn trong lớp học.

Nguyên tắc 2: Phát triển tương tác và hợp tác giữa các sinh viên

Khi sinh viên được khuyến khích làm việc theo từng “đội” thì việc học sẽ diễn ra được nhiều hơn. Những đặc trưng của việc học tốt là sự hợp tác và xã hội, không phải là sự cạnh tranh và tách biệt. Làm việc cùng nhau sẽ thúc đẩy tư duy và hiểu biết.  

Chỉ dẫn:

+ Sử dụng các nhóm học tập hợp tác

+ Yêu cầu sinh viên tham gia các hoạt động thúc đẩy họ hiểu biết nhau

+ Khuyến khích sinh viên tham gia ít nhất là một tổ chức trong trường

+ Chỉ định các dự án nhóm và thuyết trình

+ Khai thác việc kèm cặp đồng mức (bạn giúp bạn)

+ Khuyến khích sinh viên tham gia các nhóm học ôn thi, kiểm tra đánh giá

+ Cung cấp tiêu chí hiệu quả cho sinh viên sao cho thứ hạng của người này độc lập với thứ hạng đạt được của người khác.

+ Động viên sinh viên thuộc các đối tượng khác nhau bày tỏ các quan điểm của họ về các chủ đề được chia sẻ trong lớp.

Học hợp tác có nhiều lợi ích. Sinh viên quan tâm hơn đến việc học của họ, vì bản chất sự phụ thuộc lẫn nhau của quá trình học tập. Khả năng lưu giữ kiến thức cao hơn nhờ khía cạnh xã hội và trí tuệ trong các nội dung tài liệu. Sinh viên cũng tìm được phương pháp hấp dẫn hơn vì không có sự cạnh tranh nào áp đặt lên họ. Hợp tác không cạnh tranh sẽ làm cho học tập trở nên hiệu quả hơn.

Nguyên tắc 3: Khuyến khích học tích cực

Học là một quá trình. Sinh viên không thể học được nhiều chỉ bằng cách ngồi thụ động một chỗ trong lớp nghe giảng, ghi nhớ những nhiệm vụ đóng gói sẵn và đưa ra câu trả lời. Họ phải nói và viết về những điều đang học, liên hệ chúng với kinh nghiệm đã có và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của họ. Sinh viên cần làm cho việc học là của chính mình.

Chỉ dẫn:

+ Yêu cầu sinh viên liên hệ những điều đang học với cuộc sống thực tiễn

+ Sử dụng việc ghi nhật ký học tập (learning journal)

+ Cung cấp cho sinh viên những tình huống cụ thể, thực tế để phân tích

+ Khuyến khích sinh viên đề xuất đọc thêm, dự án, hoặc hoạt động môn học

+ Yêu cầu sinh viên giới thiệu công việc của họ trước lớp

+ Sử dụng phần mềm mô phỏng để chạy các kịch bản “nếu – thì” cho phép sinh viên thao tác các biến và hoàn cảnh

+ Thực hành mô hình hóa vai trò và sử dụng các nghiên cứu điển hình trên nền web để thực hành kỹ năng tư duy mới

+ Khuyến khích sinh viên thử thách những ý tưởng của họ, ý tưởng của sinh viên khác hoặc những ý tưởng tìm được khi đọc tài liệu một cách tôn trọng

+ Tạo các hoạt động giải quyết vấn đề trong các nhóm nhỏ và thảo luận nhóm về những giải pháp của họ với cả lớp

Thúc đẩy học tập tích cực ở đại học là một cuộc đấu tranh với nền nếp học tập mà sinh viên vốn đã có. Điều này là vì thực tế chuẩn trường phổ thông vẫn còn đang tạo xu hướng học thụ động. Phần lớn thông tin cần phải cung cấp trong một thời gian hạn chế, do đó giảng viên phải cắt bớt bài giảng để tiết kiệm thời gian cho việc đề cập đến nhiều học liệu nhất có thể. Sinh viên đi từ chủ đề này đến chủ đề khác mà không thực sự hiểu hết nội dung và cách liên hệ với đời sống thực. Học tập hiệu quả là học tập tích cực. Khái niệm học tập tích cực được dùng cho việc thiết kế khóa học, chương trình, dịch vụ công, giới thiệu về khoa học thực nghiệm, biểu diễn âm nhạc và phát biểu, các lớp seminar, nghiên cứu ở bậc đại học, và học với sự trợ giúp của máy tính. Thử thách thường gặp đối với tất cả những loại hình này là thúc đẩy sinh viên suy nghĩ về việc làm sao để họ học tốt và để có trách nhiệm hơn với việc học của họ.

Nguyên tắc 4. Lấy phản hồi kịp thời

Bằng cách biết rõ những gì sinh viên đã biết và chưa biết, giảng viên sẽ giúp họ tập trung hơn vào việc học. Để sinh viên có được những lợi ích từ khóa học, họ cần được phản hồi thích hợp về hiệu quả học của họ. Lúc khởi đầu, sinh viên cần được giúp đỡ để đánh giá kiến thức và năng lực của họ. Trong lớp học, sinh viên cần có cơ hội thường xuyên để thực hiện và nhận được những lời khuyên để tiến bộ. Trong suốt thời gian học ở trường ĐH và đặc biệt là vào cuối khóa học, sinh viên cần cơ hội để phản ánh về những gì họ học được, những gì họ còn cần phải họccách làm thế nào để họ tự đánh giá.

Chỉ dẫn:

+ Theo dõi bài thuyết trình và dành 5 phút cho SV viết ra những gì họ học được trong lớp

+ Cung cấp lời khuyên giàu thông tin cho SV thấy các lỗi/khiếm khuyết và những lời khuyên để họ có thể cải thiện

+ Thảo luận về kết quả đánh giá lớp và kì thi với lớp và với từng SV

+ Thay đổi các kỹ thuật đánh giá (trắc nghiệm, bài viết, báo cáo ghi chép, câu hỏi ngắn, …)

+ Đề xuất kiểm tra trực tuyến, mô phỏng bằng phần mềm, các chương trình web cung cấp phản hồi ngay

+ Hỏi và trả lời

+ Sử dụng các bản ghi tiếng/ghi hình để đánh giá

+ Trả bài cho các bài đánh giá, dự án, kiểm tra trong vòng 1 tuần

Tầm quan trọng của phản hồi ở chỗ nó thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy và học. Nó là công cụ đơn giản để sử dụng trong quá trình học. Phản hồi nói chung là bất kỳ cách nào để thông tin với người học về những gì họ đã hoàn thành và những gì họ cần phải cải thiện. Có một số dạng phản hồi khác nhau. Đó là bằng miệng, viết, qua máy tính, hoặc từ bất kỳ một tương tác nào trong học nhóm. Điều quan trọng là ở chỗ người học được thông tin và có thể kết hợp các phản hồi với sự đáp ứng riêng. 

Nguyên tắc 5: Nhấn mạnh thời gian của mỗi nhiệm vụ

Học cần thời gian và năng lượng. Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả là rất cần thiết cho SV. Bằng cách bố trí đủ thời gian mới có thể  học hiệu quả với SV và dạy hiệu quả với GV. Cách xác định thời gian kỳ vọng với SV, GV, người quản lý và những nhân viên khác có thể tạo nên dựa trên tính hiệu quả của mỗi người

Chỉ dẫn:

+ Mong đợi sinh viên thực hiện việc đánh giá của họ một cách không chậm trễ

+ Thông tin rõ ràng cho sinh viên về thời hạn họ phải gửi bài chuẩn bị đến lớp và làm bài đánh giá.

+ Giúp sinh viên đặt các mục tiêu thử thách đối với việc học của họ

+ Có yêu cầu phù hợp thực tế (đừng mong có 10 bài trong 10 tuần)

+ Khuyến khích sinh viên chuẩn bị tốt cho thuyết trình

+ Giải thích cho sinh viên những hậu quả của việc không tham dự lớp

+ Gặp gỡ những sinh viên chậm tiến bộ để thảo luận về những thói quen học tập, lịch trình học và những vấn đề quan tâm khác

+ Quan tâm đến việc đảm bảo thời gian dành cho việc học thực sự, không phân tán bởi việc khác

+ Không nên sử dụng công nghệ chỉ vì lợi ích công nghệ. Việc sử dụng công nghệ phải phù hợp và hữu ích đối với chủ đề

+ Có tiến trình hợp lý cho các dự án và bài đánh giá

+ Dạy cho sinh viên quản lý thời gian

+ Các chủ đề thảo luận ở lớp được gửi lên nhóm thảo luận trên web

Nguyên tắc 6. Truyền thông về sự yêu cầu cao

Hãy yêu cầu (mong đợi) nhiều hơn và ta sẽ có được kết quả. Những sinh viên thông minh và có động lực đều cần được yêu cầu cao. Việc kỳ vọng sinh viên thực hiện tốt yêu cầu học tập sẽ trở nên hoàn toàn dự báo được trước một khi giảng viên và nhà trường đặt chuẩn cao và có nhiều nỗ lực hơn. 

Chỉ dẫn:

+ Cung cấp đề cương môn học chi tiết, kèm theo cách đánh giá, các mốc thời gian và bảng tiêu chí đánh giá xếp hạng (rubric).

+ Thúc đẩy sinh viên trở nên xuất sắc trong mỗi công việc họ làm

+ Ủng hộ tích cực để SV thực hiện công việc một cách xuất sắc

+ Động viên SV làm việc tích cực trên lớp

+ Nói với sinh viên rằng mỗi người làm việc ở mức khác nhau và bất kỳ ở mức nào họ cũng cần phấn đấu để tiến bộ với nỗ lực cao nhất

+ Giúp sinh viên đặt ra những mục tiêu thử thách đối với việc học tập của họ

+ Công khai biểu dương sự xuất sắc của sinh viên

+ Chỉnh sửa bài giảng khi cần thiết, để duy trì sự kích thích với sinh viên

+ Làm việc cá nhân với những sinh viên đang gặp khó khăn học tập để động viên họ có động lực

+ Khuyến khích sinh viên làm việc tốt nhất thay cho việc chú trọng vào điểm đánh giá

Nguyên tắc 7: Tôn trọng đa dạng về tài năng và cách học

Có nhiều cách khác nhau để học và không có người nào giống người nào. Mỗi sinh viên đều mang tài năng và cách học khác nhau đến lớp. Những sinh viên xuất sắc trong seminar có thể sẽ là người vụng về trong phòng thí nghiệm hay trong các họat động nghệ thuật. Sinh viên cần có cơ hội để thể hiện tài năng của mình và học theo cách công việc đem lại cho họ. Sau đó họ có thể được hướng vào những cách học mới không dễ dàng với họ.  

Chỉ dẫn:

+ Sử dụng công nghệ web để cho sinh viên chọn những kinh nghiệm học tập phù hợp với họ

+ Khuyến khích sinh viên phát biểu khi họ không hiểu

+ Sử dụng nhiều hoạt động và kỹ thuật dạy học đa dạng để nhận định được nhiều sinh viên

+ Chọn các bài đọc và thiết kế các hoạt động liên quan với nền cơ bản của sinh viên

+ Cung cấp thêm các học liệu và hoạt động cho những sinh viên còn thiếu kiến thức hoặc kỹ năng căn bản cần thiết

+ Tích hợp các kiến thức mới về phụ nữ, dân tộc thiểu số và tộc người vào các bài học

+ Sử dụng dạy học hợp đồng và các hoạt động khác để cung cấp cho sinh viên những lựa chọn học tập thay thế cho môn học của giảng viên

+ Khuyến khích mọi sinh viên (không phân biệt đối tượng) chia sẻ quan điểm của mình về chủ đề thảo luận trong lớp

+ Sử dụng các kỹ thuật dạy học hợp tác và ghép đôi sinh viên để họ có thể động viên hỗ trợ lẫn nhau

+ Ra bài tập cho sinh viên để giải với nhiều lời giải, hướng dẫn cách làm và ví dụ

+ Quan tâm đến các chuyến đi hiện trường

+ Làm quen với nghiên cứu của Howard Gardner về đa trí tuệ.

Ý nghĩa của sự đa dạng rất rõ ràng từ thực tiễn của những tổ chức hoạt động hiệu quả. Các tổ chức này làm chủ được sự đa dạng và nuôi dưỡng nó một cách hệ thống. Tôn trọng sự đa dạng đóng vai trò trung tâm trong các quyết định của trường ĐH, là sự minh bạch trong các dịch vụ và nguồn lực dành cho sinh viên, là một tính năng của mỗi một chương trình đào tạo, và thực hành được trong mỗi lớp học.

 

(Lược dịch theo Seven Principles for Good Practice in Undergraduate Education, http://www.utc.edu )