Nhân lực y tế là nguồn lực thiết yếu để xây dựng, củng cố hệ thống y tế và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Hiện nay, nhân lực y tế các nước trên thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức từ gánh nặng bệnh tật đến giá cả dịch vụ, nhu cầu chăm sóc sức khỏe; sự phát triển hệ thống y tế tư nhân và việc lựa chọn cơ sở điều trị. Sự thiếu hụt nhân lực y tế thể hiện ở số lượng cán bộ y tế không đủ so với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, sự thiếu cân bằng trong đào tạo các chuyên ngành, phân bố không phù hợp với nhu cầu của từng địa phương và bị hao hụt nhân lực vì chết, về hưu, thay đổi nghề nghiệp hay dịch chuyển nơi làm việc.

           Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO - 2006), một đất nước bị thiếu nhân viên y tế khi cứ trung bình 100.000 dân của nước đó có ít hơn 2,3 bác sỹ, y tá và nữ hộ sinh. Trên thế giới hiện có 57 quốc gia rơi vào tình trạng này và thế giới đang bị thiếu khoảng 4,3 triệu nhân viên y tế, trong đó nặng nề nhất là Châu Phi thiếu khoảng 1 triệu nhân viên y tế. Nhiều yếu tố đã tác động đến cuộc khủng hoảng nhân lực y tế, trong đó bao gồm cả sự chênh lệch trong phát triển kinh tế giữa các quốc gia và sự bùng phát các đại dịch cũ và mới. Việc dịch chuyển vùng sinh sống của các cán bộ y tế đang gia tăng do sự chênh lệch trong điều kiện làm việc, tiền lương và cơ hội nghề nghiệp. 

        Việt Nam tuy không nằm trong số 57 nước trên thế giới thiếu trầm trọng nhân lực y tế nhưng cũng đang phải đương đầu với những vấn đề về nguồn nhân lực, đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn nhân lực y tế cũng như mất cân đối giữa các chuyên ngành và phân bố giữa các vùng miền. Theo số liệu của Bộ Y tế (2012) trong Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012-2020, mặc dù số lượng cán bộ y tế đều tăng qua các năm nhưng số lượng và cơ cấu nhân lực ở mỗi tuyến có khác nhau. Hiện nay, tuyến Trung ương có số bác sỹ nhiều gấp 47,8 lần số y sỹ; tỷ lệ này giảm dần ở tuyến tỉnh, huyện (2,8 lần ) và xã (0,3 lần).

Hiện nay nước ta có trung bình 6,6 BS /10.000 dân; 7,8 điều dưỡng /10.000 dân. Nếu muốn có 10 BS/10.000 dân như ở các nước trong khu vực thì cần phải bổ sung 34.000 bác sỹ. Hằng năm có trên 10.000 cán bộ y tế nghỉ hưu và dân số tăng thêm gần 1 triệu người nên hằng năm phải đào tạo nhiều cán bộ y tế, đặc biệt là bác sỹ hơn số lượng hiện nay mới hy vọng đạt được mục tiêu đặt ra. Như vậy ít nhất cũng từ 8 - 10 năm, nghĩa là đến năm 2020 mới giải quyết phần cơ bản của nhu cầu về nhân lực y tế.

        Riêng đối với các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, điều tra dân số toàn quốc năm 2009 cho thấy dân số các tỉnh, trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, là trên 18,8 triệu người; chiếm tỷ lệ 21,9% so với toàn quốc. Tuy vậy, cán bộ y tế trong Vùng chỉ chiếm 17,93% so với tổng số, một số tỉnh Bắc Trung bộ lại có số bác sỹ/vạn dân thấp hơn trung bình toàn quốc, nhìn chung khu vực này chưa có sự thu hút nhân lực y tế đủ với thực tế phân bố dân cư. Cán bộ y tế làm công tác điều trị ở khu vực này chiếm tỷ lệ 78,26% trong tổng số cán bộ y tế, nhiều hơn gấp 5 lần so với lực lượng làm công tác y tế dự phòng (15,87%). Với khí hậu khắc nghiệt, nóng ẩm, mưa nhiều đã tạo cơ hội cho nhiều bệnh tật phát sinh nên đòi hỏi không những phải có số lượng cán bộ y tế đầy đủ mà còn phải phù hợp cấu trúc nhân lực để bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân trong Vùng.

        Trường Đại học Vinh là một trong những Trường Đại học lớn, nằm trên khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Định hướng phát triển của Trường Đại học Vinh là “Xây dựng Trường Đại học Vinh trở thành một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực có uy tín”. Để làm được điều này Nhà trường tập trung mở rộng quy mô cùng với nâng cao chất lượng đào tạo đang là mục tiêu ưu tiên hàng đầu; bởi vậy, Nhà Trường luôn tìm các biện pháp đổi mới và hiện đại hoá nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy và cơ sở vật chất kỹ thuật.

        Trường Đại học Vinh đang tập trung mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện đối với tất cả các ngành và các hệ đào tạo trong trường, trong đó dành ưu tiên cho các ngành Điều dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo vì:

        - Nhu cầu từ thực tiễn phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và các vùng phụ cận về lực lượng cán bộ điều dưỡng có trình độ Đại học và Sau Đại.

        - Khu vực Bắc Trung Bộ đang thiếu hụt nguồn nhân lực về y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực điều dưỡng. Trường Đại học Vinh có nhiệm vụ thực hiện hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm đóng góp cho sự phát triển lĩnh vực y dược của địa phương.

        - Trong một tương lai gần, sản phẩm đào tạo của Viện sẽ có đóng góp quan trọng trong sự phát triển y dược của khu vực Bắc Trung Bộ và các vùng phụ cận nhằm khai thác hợp lý và bền vững tiềm năng của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

        Những lý do trên cho thấy sự cần thiết và nhu cầu cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực cán bộ có trình độ Đại học trong lĩnh vực Điều dưỡng của vùng Bắc Trung Bộ. Trường Đại học Vinh sẽ góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực y tế có trình độ cao, đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe, ứng dụng khoa học và công nghệ tiến bộ vào thực tiễn và gắn với nhu cầu thực tiễn phát triển của các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ.

        Theo thông tin tuyển sinh Đại học hệ Chính quy năm 2018, Trường Đại học Vinh tuyển sinh theo ngành, đào tạo theo chương trình tiếp cận CDIO gồm 53 ngành đào tạo thuộc 8 nhóm ngành với 5.250 chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, nhóm ngành Sức khỏe với chuyên ngành Điều dưỡng, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo theo Quyết định số 4454/QĐ-BGDĐT ngày 20 tháng 10 năm 2017.

                                                                                                                                                                                                                                                                                   Tin bài: HĐQ.