Tên gọi POWER của phương pháp học tập ở bậc đại học là viết tắt của các từ tiếng Anh: Prepare, Organize, Work, Evaluate, Rethink, đồng thời  "Power" cũng hàm ý nghĩa là sức mạnh, năng lực. Phương pháp POWER do GS Robert Feldman là giáo sư tâm lý tại trường ĐH Massachusetts ở Amherst đề xướng nhằm hướng dẫn SV, đặc biệt là SV năm 1, cách học tập có hiệu quả nhất. Năm yếu tố cơ bản của phương pháp POWER đó là: Prepare – chuẩn bị, Organize – tổ chức, Work – làm việc, Evaluate – đánh giá, Rethink – Suy nghĩ lại, tư duy phản biện.

Trong lời nói đầu của chương 1 tổng quan về POWER, tác giả đặt ra câu hỏi:  “Bạn đã có POWER chưa? Các sinh viên giỏi nhất đều đã có. Và bạn hoàn toàn có thể là một trong số sinh viên giỏi nhất đó. Vì sao vậy, đơn giản vì phương pháp POWER là phương pháp tương tác”.

Dưới đây xin giới thiệu với các bạn sinh viên về POWER – một phương pháp học tập hiệu quả, đặc biệt là trong các quá trình tổ chức dạy và học theo học chế tín chỉ.

1. Prepare (chuẩn bị, sửa soạn)

Khâu đầu tiên rất quan trọng đối với quá trình học tập ở đại học chính là khâu chuẩn bị. Từ chuẩn bị ở đây được hiểu theo nghĩa tích cực chủ động, bao gồm việc sinh viên (SV) nghiên cứu trước giáo trình và tài liệu tham khảo về bài học, tìm kiếm thông tin liên quan, thậm chí nếu có điều kiện thì có trải nghiệm thực tiễn về chủ đề sẽ học trên lớp. Sự chuẩn bị như vậy cùng với việc xác định tâm thế học tập tốt giúp SV chủ động tiếp thu bài học một cách hiệu quả. SV có thể chủ động đặt trước các câu hỏi, các vấn đề sẽ trao đổi với giảng viên (GV), với bạn để chủ động, tự tin và tích cực tham gia vào các hoạt động tương tác trên lớp. Với cách chuẩn bị tích cực này, tri thức mà SV có được không phải là một tri thức được truyền đạt một chiều từ phía người dạy mà chủ yếu là do chính SV tự tạo ra. Nói “học là quá trình hợp tác giữa người dạy và người học” có nghĩa là như vậy.

2. Organize (tổ chức)

Việc chuẩn bị ở trên sẽ trở nên hiệu quả hơn nữa khi SV biết tự tổ chức, sắp xếp quá trình học tập của mình một cách có mục đích và hệ thống.

3. Work (làm việc)

Nhiều người sai lầm ở chỗ tách rời việc học tập ra khỏi làm việc. Trong khi làm việc chính là một quá trình học tập có hiệu quả nhất. 

Trong giai đoạn này SV phải biết cách làm việc một cách có ý thức và có phương pháp ở trong lớp và trong phòng thí nghiệm, thực hành. Các hình thức làm việc trong môi trường đại học rất đa dạng, phong phú: Lắng nghe và ghi chép bài giảng, thuyết trình hoặc thảo luận, truy cập thông tin, xử lí các dữ liệu, bài tập, thực tập các thí nghiệm... tất cả đều đòi hỏi phải làm việc thật nghiêm túc, có hiệu quả. Có câu rằng:  nghe – quên; nhìn – nhớ; làm - hiểu. Nếu học tập mà chỉ lắng nghe sẽ dễ quên, học tập trực quan (nhìn) sẽ dễ nhớ, và học qua làm (hành động, trải nghiệm, thực hành, thực nghiệm) sẽ dễ hiểu.

4. Evaluate (đánh giá)

Ngoài hệ thống đánh giá của nhà trường, SV còn phải biết tự đánh giá chính bản thân mình cũng như sản phẩm do mình tạo ra trong quá trình học tập, qua mỗi bài, mỗi giai đoạn học tập. Muốn làm việc này tốt, trước tiên cần nhận thức rõ ràng các mục tiêu của môn  học theo đề cương môn học, và tự đặt thêm cho mình những mục tiêu thích hợp khác nếu cần. Tự đánh giá một cách trung thực giúp SV xác định mức độ đạt mục tiêu của mình, và cần phải điều chỉnh việc học tập như thế nào để cải thiện kết quả. Tự đánh giá cũng là một hình thức phản tỉnh để qua đó nâng cao trình độ và ý thức học tập.

5. Rethink (suy nghĩ lại - luôn biết cách lật ngược vấn đề theo một cách khác)

Tư duy của người học đại học không phải là một thứ tư duy đơn tuyển, một chiều mà đó chính là hình thức tư duy đa tuyển, phức hợp, luôn biết cách lật ngược vấn đề theo một cách khác, xem xét vấn đề từ những khía cạnh hoặc cách tiếp cận chưa ai đề cập đến. Cách học này giúp phát triển khả năng tư duy phản biện - một trong những điểm yếu của SV Việt Nam hiện nay. Khả năng suy nghĩ lại này cũng gắn liền với khả năng làm lại (redo) và tái tạo quá trình học tập trên căn bản nhận thức mới đối với vấn đề và kết quả đã đặt ra.

Chữ R của giai đoạn thứ năm này cũng có nghĩa là Recreate (giải lao, giải trí, tiêu khiển), một hoạt động cũng quan trọng không kém so với các hoạt động học tập chính khóa. Ở đây cần nhớ rằng: Ai không biết cách nghỉ ngơi, giải trí, tiêu khiển thì người đó cũng không biết cách học tập hoặc học tập không có hiệu quả cao.

 

1.Robert S. Feldman, Christopher Poirier. The Research Basis for P.O.W.E.R. Learning.  http://successinhighered.com/powermath/files/2014/07/Research _basis_POWER .pdf .

2. http://www.hoctap.com.vn/bac-dai-hoc/501-hoc-tap-theo-phuong-phap-power-cho-sinh-vien-nam-1.html.