Bài viết Đăng trên báo Người Đô thị của tác giả Linh Đan.

Hàng nghìn cá thể gấu hoang dã bị bắt nuôi lấy mật

Trong vòng 20 năm qua tại Việt Nam, hàng nghìn cá thể gấu hoang dã đã bị bắt, bị nuôi nhốt trong những chuồng trại chật hẹp từ Bắc vào Nam, bị “thu hoạch” mật, phục vụ cho những bài thuốc cổ truyền. Việc nuôi giữ và sử dụng mật gấu đã trở thành việc thường xuyên đến mức, không ít gia đình tại Việt Nam trong tủ lạnh thường có một ống mật gấu cất giữ, để phòng khi cần đến. Những nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng số lượng hoang dã ngoài tự nhiên đã bị suy giảm nghiêm trọng ở Việt Nam, từ năm 1995 – 2005, khi ngành công nghiệp nuôi gấu lấy mật được phép đi vào hoạt động.

Năm 2006, chính phủ Việt Nam thừa nhận mối nguy tiềm tàng đẩy loài gấu ở Việt Nam đến vực tuyệt chủng, nên đã phát hành luật cấm thu hoạch và buôn bán mật gấu. Kể từ đó, số lượng gấu nuôi trong các trang trại ở Việt Nam đã giảm từ hơn 4.000 cá thể xuống còn khoảng 1.000 gấu hiện nay.

Sự sụt giảm trong số lượng gấu bị nuôi giữ ở Việt Nam có thể là do luật ban hành cấm đã được thực thi hiệu quả, nhận thức của người dân được tăng cao thông qua các chiến dịch và dự án giáo dục bảo tồn, sự thay đổi nhu cầu của người sử dụng và sự suy giảm của số lượng gấu hoang dã, dẫn đến sự suy giảm gấu bị bắt bẫy để nuôi nhốt trong các trang trại.

Từ lâu, các nhà bảo tồn đã tranh cãi liệu việc nuôi giữ gấu trong các trai trại lấy mật có phải biện pháp bền vững. Đây cũng chính là vấn đề nóng từ nhiều năm nay, không chỉ đối với việc bảo tồn gấu, mà còn đối với nhiều loài động vật hoang dã khác, như hổ, tê tê và cả tê giác... Thêm vào đó, việc nuôi giữ gấu để lấy mật ở Việt Nam đã bị cấm, nhưng ở những nước láng giềng khác như Lào và Campuchia lại mới chỉ bắt đầu. Nếu không có những chứng cứ và lập luận chắc chắn từ các nhà khoa học bảo tồn, thì các chính phủ và người tiêu dùng có thể dễ dàng lờ đi những mối nguy dẫn đến nạn tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã.

Tình trạng nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam chính là một trong những ví dụ điển hình cho thấy ngành công nghiệp nuôi nhốt động vật hoang dã không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã từ người dân, và làm suy giảm nghiêm trọng số lượng loài ngoài thiên nhiên hoang dã. Và sự suy giảm của ngành công nghiệp nuôi nhốt gấu lấy mật ở Việt Nam cho thấy một cơ hội để chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm và bài học đắt giá: như việc nó phát triển như thế nào, và lý do gì dẫn đến sự suy giảm này, từ chính những chủ trang trại nuôi giữ gấu.

Phản bảo tồn

Một nghiên cứu khoc học dựa vào quá trình phỏng vấn và thu nhập thông tin từ những chủ trang trại nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam, với tên gọi “Challenges and Conservation implications of bear bile farming in Vietnam” (Tạm dịch: Thách thức và tác động của việc nuôi giữ gấu lấy mật tại Việt Nam) vừa được công bố ngày hôm 3.7.2018 (*). Kết quả nghiên cứu cho thấy ngành công nghiệp nuôi giữ gấu lấy mật ở Việt Nam phụ thuộc vào việc săn bắt gấu hoang dã ngoài tự nhiên, với đại đa số chủ trang trại thừa nhận họ thất bại trong việc gây giống gấu nuôi.

Chủ trang trại nuôi gấu, khi được các thành viên của dự án nghiên cứu phỏng vấn, thừa nhận nhu cầu sử dụng mật gấu vào thời “hoàng kim” vượt quá mức cung của các trang trại, dù tổng số lượng gấu nuôi vào thời điểm đó trong cả nước lên đến hơn 4.000 gấu. Họ cũng cho hay khách hàng sử dụng mật gấu nuôi không hài lòng với chất lượng của mật, và ở nhiều nơi thổi phồng tác dụng của mật gấu để bán cho khách hàng dẫn đến việc khách không còn tin tưởng vào việc sử dụng mật gấu nuôi.

Họ cho rằng chất lượng mật gấu không tốt là do gấu nuôi không được tự do vận động, tìm kiếm thức ăn, chất lượng nuôi nhốt và khẩu phần ăn tồi tàn và việc thu hoạch mật gấu quá mức thường xuyên. Vì vậy mà nhiều khách hàng sử dụng mật gấu sẵn sàng trả với giá tiền cao hơn rất nhiều để có thể mua được mật  hoặc túi mật từ gấu hoang dã. Nhiều chủ trang trại cho biết giá mật gấu hiện nay đã rớt xuống rất thấp, nhưng giá mật gấu hoang dã vẫn ở mức rất cao.

Ông Brian Crudge, Quản lý chương trình nghiên cứu bảo tồn gấu của tổ chức Free The Bears – đồng nghiên cứu của báo cáo này, cho hay: “Thông tin từ những chủ trang trại gấu đã bổ sung thêm vào những chứng cứ thu thập  được từ trước đây về việc nuôi nhốt gấu lấy mật đem lại những tác động rất xấu đối với số lượng gấu hoang dã ngoài tự nhiên. Từ giá đầu tư cao để mua gấu, xây dựng chuồng trại, giá tiền cho gấu ăn, thậm chí là mua đất để mở rộng trang trại nuôi gấu, sự phụ thuộc vào số lượng gấu bị bắt bẫy ngoài tự nhiên để phục vụ cho ngành chăn nuôi gấu lấy mật, và việc chuộng sử dụng mật gấu hoang dã của người tiêu dùng... đều cho thấy rằng ngành công nghiệp chăn nuôi gấu không hề đem lại bất cứ lợi ích nào cho công tác bảo tồn gấu”.

Năm 2017, chính phủ Việt Nam ký hiệp ước chấm dứt hoàn toàn việc chăn nuôi gấu lấy mật. Bà Trang Nguyễn, giám đốc tổ chức WildAct, đồng tác giả báo cáo, cũng nhận định: “Nuôi giữ gấu lấy mật là hành vi rất tàn bạo và không cần thiết. Chúng tôi lo ngại rằng với thói quen sử dụng mật gấu, những người tiêu dùng mật gấu sẵn sàng trả giá cao để mua mật gấu hoang dã sẽ trực tiếp đẩy loài gấu của Việt Nam đến vực tuyệt chủng. Công tác bảo tồn không phải chỉ để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn là để bảo vệ chính mạng sống của con người nữa. Việc sử dụng mật gấu hay những sản phẩm từ động vật hoang dã khác, có thể gây ra những loại bệnh truyền nhiễm từ động vật sang con người. Ví dụ như bệnh lao là một loại bệnh hoàn toàn có thể lây lan từ gấu sang người và ngược lại. Không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng”.

Các nhà nghiên cứu của báo cáo này hi vọng rằng với kết quả nghiên cứu này, các cấp chính quyền và những đơn vị có liên quan có thể cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi cho phép các hoạt động nuôi nhốt, làm kinh tế từ động vật hoang dã, và người dân sẽ có trang bị kiến thức tốt hơn để lựa chọn phương pháp chăm sóc sức khỏe an toàn hơn cho bản thân và thân thiện hơn với môi trường.

_________

Tổ chức Free the Bears là một tổ chức phi chính phủ với mục đích hỗ trợ các nỗ lực nhằm loại bỏ việc nuôi gấu lấy mật, giải cứu những chú gấu bị nuôi giữ trái phép và đưa chúng về những khu cứu hộ bảo tồn được xây dựng phù hợp với tập tính và yêu cầu môi trường sống của gấu.

Tổ chức Free the Bears có trung tâm cứu hộ gấu ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Tại Việt Nam, trung tâm cứu hộ gấu vừa được xây dựng với quy mô lớn, đặt tại vườn quốc gia Cát Tiên.

_________

Tổ chức WildAct là tổ chức bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam, với nhiệm vụ chính là nâng cao ý thức cộng đồng về các vấn đề liên quan đến bảo tồn thiên nhiên hoang dã và đảm bảo đời sống của người dân địa phương.

*) Nghiên cứu này là kết quả của sự hợp tác giữa tổ chức bảo tồn gấu Free the Bears, tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam WildAct và trường đại học Vinh. Nghiên cứu nhận được sự trợ cấp kinh phí từ Perth Zoo Wildlife Conservation Action.

 

Theo Linh Đan, Báo Người Đô thị.