Điều dưỡng là ngành học đang được rất nhiều bạn trẻ
Việt Nam và thế giới lựa chọn để theo đuổi. Tuy nhiên để có thể học tốt cũng
như tìm được việc làm như mong muốn thì bạn phải thật sự yêu thích nó. Và để
làm được điều đó, bạn chắc chắn phải hiểu rõ về ngành điều dưỡng trước khi quyết
định lựa chọn.
Điều dưỡng là một bộ phận không thể thiếu trong hệ
thống của một bệnh viện, trung tâm y tế. Tại các nước phát triển và đang phát
triển, vai trò của điều dưỡng đã được nâng cao trong việc quản lý các cơ sở
chăm sóc ban đầu, bệnh viện... Những năm gần đây, khi chất lượng cuộc sống ngày
càng được nâng cao thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng được người dân quan tâm
đáng kể. Cùng với việc mở rộng các cơ sở y tế phục vụ người dân, vấn đề nguồn
nhân lực điều dưỡng cũng được đưa ra bàn thảo khi hiện nay số lượng lao động hoạt
động trong ngành này đang thiếu hụt nghiêm trọng. Sự “khát” nhân lực điều dưỡng
đang tạo cơ hội để các thí sinh lựa chọn ngành học này có thể tìm những vị trí
việc làm tốt ngay khi tốt nghiệp.
Theo nguồn tin đăng tải trên trang Nikkei Asian
Review, Chính phủ Nhật Bản đã nhất trí mời 10.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam từ
nay đến năm 2020 sang làm việc nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực
nghiêm trọng của ngành điều dưỡng nước này. Bước đầu, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận
3.000 điều dưỡng viên trong vòng 1 năm, với sự hỗ trợ tài chính từ phía Tokyo
cho hoạt động đào tạo ngôn ngữ, và sau đó mở rộng quy mô lên 10.000 điều dưỡng
viên trong 2 năm. Bằng việc đặt ra mục tiêu về số lượng điều dưỡng viên, Chính
phủ Nhật Bản hy vọng có thể đẩy nhanh công tác chuẩn bị. Thủ tướng Shinzo Abe
đã chỉ đạo nội các bắt đầu tiến hành dàn xếp để tiếp nhận thêm các lao động nước
ngoài đến Nhật Bản làm việc. Tokyo đang nỗ lực nhằm đặt ra những mục tiêu tương
tự với Indonesia, Campuchia và Lào.
Nhật Bản và Việt Nam dự kiến sẽ ký kết một biên bản
ghi nhớ ngay trong năm nay. Văn kiện này sẽ được coi là một phần của "Sáng
kiến sức khỏe con người châu Á," một chương trình của chính phủ Nhật Bản
nhằm cung cấp cho các xã hội đang già hóa ở châu Á những hiểu biết và kiến thức
chuyên môn của Nhật Bản về điều dưỡng và phúc lợi xã hội. Nhật Bản đã bắt đầu
tiếp nhận các lao động Việt Nam trong lĩnh vực điều dưỡng vào tháng 11/2017
trong khuôn khổ một chương trình huấn luyện thực tập sinh kỹ thuật mở rộng, mà
qua đó các điều dưỡng viên cũng sẽ được cử tới Nhật Bản. Những lao động có thể
nói được tiếng Nhật giao tiếp ở mức độ nhất định có thể được cấp quyền cư trú với
thời hạn lên tới 5 năm. Chính phủ sẽ xây dựng một chương trình mới cho phép những
người đã hoàn thành khóa huấn luyện về kỹ thuật có thể ở lại Nhật Bản thêm 5
năm nữa. Tuy vậy, số lao động có thể thực sự tận dụng được khóa học kỹ thuật
này cho hoạt động điều dưỡng là rất ít ỏi, do những yêu cầu khắt khe về ngôn ngữ
đòi hỏi phải gia tăng chi tiêu cho đào tạo. Những người tham gia chương trình sẽ
phải về nước nếu kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Nhật của họ không đạt trình độ nhất
định trong năm đầu tiên, khiến cho việc tới Nhật Bản trở nên quá tốn kém. Theo
chương trình mới, Nhật Bản sẽ trợ cấp chi phí đào tạo ngôn ngữ và làm việc với
các công ty chuyên huấn luyện cho điều dưỡng viên cách giúp người già duy trì sự
tự lực của họ. Những lao động này sẽ được trả cùng một mức lương với các lao động
Nhật Bản. Ban đầu, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp nhận 3.000 lao động thông qua 12
công ty Nhật Bản được chỉ định với tư cách thực tập sinh kỹ thuật. Chính phủ Việt
Nam cũng sẽ cho phép 6 cơ quan cử lao động có tay nghề ra nước ngoài.
Các điều dưỡng viên từ nước ngoài hiện tới Nhật Bản
làm việc thông qua các thỏa thuận đối tác kinh tế. Trong giai đoạn 2008 - 2017,
đã có tổng cộng khoảng 3.500 điều dưỡng viên nước ngoài tới Nhật Bản. Việc bổ
sung thêm 3.000 điều dưỡng viên sẽ tăng con số này lên gần gấp đôi.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang dựa vào chương trình huấn
luyện kỹ thuật để tiếp nhận lao động nước ngoài, do những giới hạn về ngân sách
hạn chế việc tiếp nhận thêm lao động thông qua các thỏa thuận đối tác kinh tế.
Năm 2015, ngành điều dưỡng của Nhật Bản thiếu khoảng
40.000 lao động, theo thông tin từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Việc tiếp nhận thêm 10.000 lao động nữa sẽ chỉ thu hẹp khoảng trống này xuống mức
hơn 30.000 lao động.
Trong tương lai, tình trạng thiếu hụt được dự kiến sẽ
còn trầm trọng hơn, tăng vọt lên mức 790.000 lao động và năm 2035. Các kế hoạch
xây dựng nhà điều dưỡng của chính phủ từ năm tài khóa 2015 đến năm tài khóa
2017 mới chỉ hoàn thành được 70%, với nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nhân lực.
Trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng để có được nguồn
lao động, Hàn Quốc cũng đã đặt ra hạn ngạch cho việc thu hút lao động nước
ngoài. Mặc dù Nhật Bản đang tìm cách làm điều tương tự bằng việc đưa ra các mục
tiêu về số lượng, song vẫn chưa rõ liệu nước này có thể gia tăng số lao động nước
ngoài hay không, do một số đòi hỏi về cư trú, trong đó có trình độ ngôn ngữ.
Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
(VJEPA) triển khai từ năm 2012 đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao
động, Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với phía Nhật Bản tuyển chọn được hàng
trăm ứng viên tham gia vào nhiều khoá đào tạo tiếng Nhật. Đến nay nay đã có
hàng trăm điều dưỡng, hộ lý đã được sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của
Nhật Bản. Chương trình dành riêng cho những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học
chuyên ngành điều dưỡng có nguyện vọng được sang làm việc tại Nhật Bản với tư
cách là ứng viên điều dưỡng và hộ lý. Các ứng viên còn có cơ hội tham dự kỳ thi
cấp Chứng chỉ quốc gia tại Nhật Bản và ở lại làm việc lâu dài. Những ứng viên
được tuyển chọn sẽ được đào tạo tiếng Nhật miễn phí trong 12 tháng. Trong thời
gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được
hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng
chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3. Những ứng viên đạt được cấp độ N3 kỳ thi
năng lực tiếng Nhật sẽ được giới thiệu cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức
khỏe của Nhật Bản.
Lương điều dưỡng tại Nhật Bản khoảng 130.000 -
140.000 yên/tháng (tương đương 28-30 triệu đồng/tháng), còn đối với hộ lý là
140.000-150.000 yên/tháng (tương đương 30-33 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, nếu
thi đỗ chứng chỉ nghề và được ở lại Nhật Bản làm việc như một nhân viên chính
thức thì mức lương có thể lên tới 270.000-300.000 yên/tháng (khoảng 55-60 triệu
đồng/tháng).
Đánh giá kết quả các ứng viên sang Nhật Bản làm việc
thời gian qua, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài
nước cho biết: “Chất lượng của ứng viên điều dưỡng hộ lý Việt Nam đã được phía
các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá cao. Trong hai đợt thi chứng chỉ điều
dưỡng quốc gia của Nhật Bản năm 2015 và 2016, tỷ lệ thi đỗ của ứng viên điều dưỡng
Việt Nam đạt trên 40%, cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ của Philippines,
Indonesia. Trong 5 lần tuyển dụng, phía Nhật Bản cũng liên tục tăng chỉ tiêu
tuyển dụng, từ năm 2012 là 150 người, năm 2013, 2014 là 180 người, năm 2015 là
210 người và đến năm nay là 240 người.”
Ông Momoi Ryusuke, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật
Bản tại Việt Nam cho rằng các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được đánh giá
cao là do quá trình tuyển chọn, đào tạo tốt và cho biết thêm, mặc dù khóa 4 vừa
qua tuyển chọn được 210 ứng viên đang được đào tạo tiếng Nhật nhưng nhu cầu tuyển
dụng của các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản là 760 người, cao gấp 3 lần so với số lượng
ứng viên đang đào tạo. Phía Nhật Bản cũng hy vọng các ứng viên không chỉ thi đỗ
chứng chỉ nghề quốc gia tại Nhật Bản mà sẽ ở đây làm việc lâu dài.
Cục Quản lý lao động ngoài nước là đầu mối duy nhất
tiếp nhận hồ sơ đăng ký và triển khai chương trình cùng với phía Nhật Bản.
Không có công ty xuất khẩu lao động hay bất kỳ cá nhân nào được cấp phép thực
hiện chương trình này. Ứng viên cần tìm hiểu thêm thông tin có thể liên hệ trực
tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 024.3936.6633 hoặc
024.3824.9517 (số máy lẻ 609, 612). Hồ sơ chương trình nộp trực tiếp với Cục Quản
lý lao động ngoài nước hoặc qua đường bưu điện theo địa chỉ: số 41B, Lý Thái Tổ,
Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thông báo danh
sách những người đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu dự tuyển trên trang thông tin
điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn,
www.molisa.gov.vn, www.hotrolaodongngoainuoc.org ) và gửi danh sách này theo địa
chỉ mà người đăng ký cung cấp../.
Theo Quang Tuấn VinhUni