Nhật Bản đang được đánh giá là một nước có tốc độ già hóa nhanh, tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới. Nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người già đang gia tăng. Nhưng nguồn nhân lực của Nhật bản lại không đáp ứng đủ nhu cầu trên. Nhật Bản đang phải sử dụng nguồn lao động nước ngoài làm hộ lý, với công việc chủ yếu là chăm sóc người già. Quy định hiện hành chỉ cho phép hộ lý nước ngoài làm việc tại các viện điều dưỡng. Đồng thời, theo nghiên cứu tại Nhật cho thấy rằng, việc chăm sóc người bệnh, người lớn tuổi phục hồi sức khỏe tại nhà sẽ nhanh hơn, an toàn hơn, thoải mái hơn,... thúc đẩy hơn nữa chương trình điều dưỡng tại gia này. Đây chính là cơ hội việc làm trình độ cao cho nguồn lao động ngành điều dưỡng trẻ Việt Nam.




 

Theo đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản vừa có quyết định cho phép hộ lý các quốc gia Philippines, Indonesia và Việt Nam, theo chương trình của Hiệp định đối tác kinh tế (EPA), nếu thi đỗ chứng chỉ hành nghề quốc gia sẽ được làm việc tại nhà bệnh nhân. Chương trình EPA được Nhật Bản ký với ba quốc gia là Philippines, Indonesia và Việt Nam. Theo chương trình này, lao động từ ba quốc gia trên đến Nhật Bản với vai trò hộ lý sẽ vừa học, vừa làm trong thời hạn 4 năm, sau đó được thi lấy chứng chỉ hành nghề hộ lý quốc gia, nếu đỗ có thể tiếp tục làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Nhật Bản trước đó chưa thông qua quy định mới trên do có những lo ngại từ phía bệnh nhân và người nhà của họ về việc hộ lý người nước ngoài không sử dụng thành thạo ngôn ngữ, nếu làm việc một mình tại nhà sẽ gặp khó khăn. Tính đến năm 2015, đã có khoảng 2.100 lao động theo chương trình EPA tới Nhật Bản để làm hộ lý, nhưng số người đỗ chứng chỉ quốc gia và tiếp tục làm việc tại Nhật Bản chỉ khoảng 250 người. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho các điều dưỡng viên tương lai muốn làm việc tại Nhật Bản lâu dài là cải thiện trình độ tiếng Nhật để đáp ứng nhu cầu làm việc và chăm sóc sức khỏe tại nhà.

TH: HĐQ