Thiết thực chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/03/1931-26/03/2024) , sáng ngày 23/03/2024, Đoàn Viện-LCH Sinh viên Viện CNHS-MT Tổ chức hoạt động về địa chỉ đỏ dâng hương và tìm hiểu truyền thống lịch sử tại nhà Lưu niệm Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, phường Quang Trung, Thành phố Vinh.

Các bạn Đoàn viên thanh niên Viện CNHSMT tại nhà lưu niệm Đ/c Nguyễn Thị Minh Khai

    Tại buổi lễ tuổi trẻ Viện CNHS-MT đã thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của thành phố Vinh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam.

    Bên cạnh đó, các bạn ĐVTN đã được nghe thuyết minh, tìm hiểu rõ về đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai từ Ban Hướng dẫn khu di tích, qua đó các bạn có dịp hiểu hơn về truyền thống lịch sử, văn hoá địa phương, càng biết ơn thế hệ cha anh mà chúng ta hôm nay có được cuộc sống hoà bình, tươi đẹp.

    Nhà lưu niệm  nữ chiến sỹ cách mạng tiền bối Nguyễn Thị Minh Khai toạ lạc trong một khuôn viên rộng rãi có diện tích 2.600m2, với các hạng mục chính: nhà lưu niệm, nhà quản lý và đón khách, nội thất khu thờ và thiết bị khác, sân vườn, cảnh quan và các hạng mục phụ trợ. Không gian của khu lưu niệm thoáng mát, nằm trên trục đường Quang Trung, thuộc phường Quang Trung (Thành phố Vinh)

    Đây là công trình văn hoá để tưởng niệm và trưng bày một số hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Đây là nơi đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã sinh ra và trưởng thành, là nơi hình thành nhân cách, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của nữ tiền bối cách mạng Việt Nam.

    Đồng chí  Nguyễn Thị Minh Khai sinh ra trong một gia đình Công chức, nề nếp, có tinh thần yêu nước. Thân phụ là ông Nguyễn Huy Bình, quê gốc làng Mọc, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), làm Thư ký nhà ga xe lửa Vinh. Thân mẫu là bà Đậu Thị Thư, quê xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một người phụ nữ tần tảo buôn bán ở chợ Vinh. Hai ông bà sinh được 8 người con (3 gái và 5 trai), trong đó nổi bật nhất là Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái (Vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Để ghi nhớ nơi sinh sống của gia đình, ông bà đã đặt tên cho cô con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Vịnh, sau khi tham gia hoạt động cách mạng đổi tên là Nguyễn Thị Minh Khai.

    Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 01 tháng 11 năm 1910, tại số nhà 132, phố Ga cũ, xã Vĩnh Yên, thị xã Vinh (nay là phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).

    Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhân dân phải chịu lầm than nô lệ, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, năm 16 tuổi, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã nhiệt tình tham gia hoạt động cách mạng.

    Năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Hưng Nam, sau đó được bầu vào Ban chấp hành Đại tổ Hưng Nam phụ trách công tác vận động Phụ nữ. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện đảng viên ở Vinh - Bến Thủy và vùng phụ cận. Với lòng nhiệt huyết và tinh thần chiến đấu kiên cường, đồng chí được Đảng tin tưởng, giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng.

    Năm 1930, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được cử sang Trung Quốc làm việc tại Văn phòng chi nhánh Đông Phương Bộ của Quốc tế cộng sản, làm Thư ký cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với nhiệm vụ làm liên lạc giữa Thị ủy Hương Cảng thuộc Đảng cộng Sản Trung Quốc với các tổ chức cách mạng Việt Nam.

    Năm 1931, đồng chí  Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt giam tại nhà tù Hương Cảng. Năm 1933, đồng chí được trả tự do và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng trong Ban Chỉ huy ở ngoài Đảng cộng sản Đông Dương ở Thượng Hải.

    Năm 1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được cử tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII tại Mát-xcơ-va (Moscow) vào tháng 7/1935 và đã có bài tham luận hùng hồn nói về vai trò của Phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1936, đồng chí được cử về nước hoạt động tại Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 1937, đồng chí được bầu làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn và trực tiếp lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ.

    Ngày 30 tháng 7 năm 1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn – Sài Gòn sau khi tham dự Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ. Sự tra tấn hết sức dã man, tàn bạo của kẻ thù không khuất phục được ý chí của người chiến sỹ cộng sản bất khuất, kiên trung, một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng:

“Dù đánh dù treo càng kiên quyết

Dù kìm dù kẹp chẳng sai lời

Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ

Triệt để thực hành chết mới thôi”.

    Ngày 25/3 đến 03/4/1941, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị Tòa án binh Sài Gòn kết án tử hình. Ngày 28 tháng 8 năm 1941 (tức ngày 06 tháng 7 năm Tân Tỵ), đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã anh dũng hy sinh tại trường bắn Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định.

    Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là người con ưu tú của thành phố Vinh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người chiến sỹ kiên trung đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Cuộc đời của đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng đã có những đóng góp rất quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.


Chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích