Đó là thông tin được đưa ra tại Hội
thảo về "Thiết kế lý thuyết về sự thay đổi trong nỗ lực giảm nhu cầu về
mật gấu ở Việt Nam". Hội thảo do Liên minh động vật hoang dã sở thú San
Diego và Viện Công nghệ Hóa sinh - Môi trường,Trường Đại học Vinh tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chiến lược bảo toàn loài gấu ngựa tại Việt Nam.
Hiện
nay nhiều loại gấu đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì bị mất sinh
cảnh sống, bị săn bắn thường xuyên… để phục vụ nhu cầu về thực phẩm,
nguyên liệu, dược liệu. Vào thời kỳ cao điểm, có tới 4.500 con gấu được
nuôi nhốt lấy mật tại các trang trại trên khắp Việt Nam.
Năm
2006, Chính phủ Việt Nam đã cấm khai thác gấu ngoài tự nhiên và nuôi
nhốt gấu để lấy mật. Tuy nhiên các hoạt động nuôi nhốt vẫn tiếp tục diễn
ra trên khắp Việt Nam, trong đó Nghệ An là một khu vực nóng về nuôi
nhốt và tiêu thụ mật gấu.
Theo ông Lê Đại Thắng - Chi cục Kiểm
lâm Nghệ An, trên địa bàn tỉnh hiện có 51 cá thể gấu nuôi, trong đó có
50 cá thể gấu ngựa và một cá thể gấu chó. Số gấu này được nuôi nhốt tại 8
cơ sở (6 hộ gia đình, một khu sinh thái và một trung tâm cứu hộ).
"Việc
nuôi nhốt gấu tại các hộ gia đình là lịch sử để lại, thực hiện trước
khi pháp luật cấm. Chúng tôi biết cuộc sống của những cá thể gấu nuôi
tại các hộ gia đình rất phản cảm với các điều kiện nuôi nhốt, ăn uống
kém. Đặc biệt, những năm gần đây không còn nhiều người dân sử dụng mật
gấu nên người nuôi gấu không chăm sóc, nuôi dưỡng tốt. Nhưng khi được
vận động, tuyên truyền đưa các cá thể gấu này vào trung tâm cứu hộ thì
người dân từ chối hoặc yêu cầu đền bù, hỗ trợ", ông Thắng cho hay.
Theo
quan niệm của nhiều người dân, mật gấu được sử dụng như một loại thuốc
trong điều trị chấn thương thông qua liệu pháp xoa bóp, điều trị một số
căn bệnh, hay bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng qua đường uống. Đáng
chú ý là mật gấu được tiêu thụ thường xuyên qua các cuộc nhậu bằng cách
pha vào rượu.
Theo
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hợi, các nghiên cứu khoa học đã chỉ
rõ, mật động vật thực chất là chất thải, không phải là thuốc. Mật chỉ là
một dịch thải qua đường tiêu hóa và có thể chứa các mầm bệnh vi trùng,
siêu vi, kí sinh gây bệnh. Các chuyên gia đông y cho rằng mật gấu xưa
nay được dùng chữa chấn thương, trật đả, xung huyết..., ít được dùng để
uống. Mật gấu không phải là thuốc bổ, tăng cường sức khỏe, sức đề kháng
như lâu nay nhiều người vẫn nhầm tưởng và "rêu rao" về công dụng của nó.
Thực tế tại Việt Nam đã có một số trường hợp tử vong do uống mật gấu quá liều. Mật gấu cũng có thể gây tổn thương gan, thận.
Hội thảo về "Thiết kế lý
thuyết về sự thay đổi trong nỗ lực giảm nhu cầu về mật gấu ở Việt Nam"
là bước quan trọng đầu tiên trong việc xây dựng chiến lược giảm nhu cầu
về mật gấu ở miền Trung Việt Nam. Hội thảo sẽ cung cấp cái nhìn tổng
quan về nghiên cứu do Liên minh động vật hoang dã sở thú San Diego và
Viện công nghệ Hóa sinh và Môi trường thực hiện về việc tiêu thụ mật gấu
ở Việt Nam.
Cuộc hội thảo diễn ra trong 3 ngày, từ 2-4/3. Các
đại biểu sẽ có tham luận chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm trong các nỗ
lực giảm nhu cầu về mật gấu cũng như bảo tồn gấu ở Việt Nam, chỉ rõ
nguyên nhân, từ đó có các giải pháp định hướng phù hợp với điều kiện bảo
tồn loài động vật này.
Theo Hoàng Lam, Báo Dân trí, https://dantri.com.vn/xa-hoi/bi-mat-ve-mat-gau-20220302150646605.htm?gidzl=GAQk9Gl8fZf3lwOb2T2bFaQnfoKMs_0wN-IaS16Ff6iDuFDmGuZoQrotzoGKZ_CuMhVwA6H-MJ4f3yUgEm