(tuoitre.vn) - Rất ít nói về bản thân nhưng vị giáo sư trẻ tuổi lại say sưa khi nhắc đến các công trình nghiên cứu về hợp chất thiên nhiên từ nguồn nấm lớn, nấm ký sinh, các nguồn tinh dầu, hương liệu...
|
GS Trần Đình Thắng (sinh năm 1975), phó trưởng khoa hóa học Trường ĐH Vinh, vừa được công nhận là tân giáo sư trẻ nhất năm 2016 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
“Thành công không phải là một điểm đến, mà đó là một con đường... |
GS Trần Đình Thắng |
Phải sau rất nhiều lần thuyết phục, giáo sư (GS) Trần Đình Thắng - GS đầu tiên của khoa hóa học Trường ĐH Vinh (Nghệ An), cũng chính là tân giáo sư trẻ nhất năm 2016 - mới cởi lòng, chia sẻ về con đường nghiên cứu khoa học của mình.
Từng công tác ở khối văn phòng
Nhiều người nghĩ tân giáo sư trẻ nhất năm 2016 chắc hẳn phải bắt đầu con đường nghiên cứu của mình từ rất sớm mới có thể hái “trái ngọt” của sự nghiệp khi tuổi đời còn trẻ (được công nhận chức danh giáo sư khi mới tròn 41 tuổi - PV).
Tuy nhiên, nói về điều này, PGS.TS Nguyễn Hoa Du - trưởng khoa hóa học Trường ĐH Vinh - lại “bật mí”: trước khi về làm giảng viên và công tác nghiên cứu tại khoa hóa, GS Trần Đình Thắng từng có thâm niên công tác ở khối văn phòng!
“Làm ở khối văn phòng một thời gian dài, theo lẽ thường người ta đã chọn một hướng đi khác ngoài khoa học. Nhưng GS Thắng vẫn sắp xếp thời gian hợp lý để đeo đuổi các công trình nghiên cứu.
Chính niềm đam mê ấy cộng với tố chất của một nhà nghiên cứu đã thuyết phục được cố GS hóa học Nguyễn Xuân Dũng - ĐHQG Hà Nội, một người nổi tiếng kỹ tính trong lựa chọn học trò. Cũng như người thầy của mình, GS Thắng có mặt thường xuyên ở phòng thí nghiệm không kể ngày đêm...” - PGS Du nói.
Bản thân GS Thắng cũng thừa nhận người tạo động lực, niềm tin và khát vọng lớn nhất cho ông vững bước trên con đường khoa học chính là GS Nguyễn Xuân Dũng.
“Đều đặn sáu năm trời, mỗi năm vài tháng thầy Dũng lại vác balô bắt xe vào Vinh hướng dẫn tôi nghiên cứu, trao truyền cho tôi niềm đam mê với các hợp chất thiên nhiên” - GS Thắng bồi hồi nhớ lại. Nhưng người thầy tận tụy ấy không cùng theo học trò của mình đi hết con đường nghiên cứu.
GS Dũng mất đúng một năm trước khi cậu trò xứ Nghệ bảo vệ luận án tiến sĩ. Từ đó đến nay, gần mười năm qua GS Thắng cần mẫn tiếp tục con đường khoa học mà hai thầy trò đã dồn nhiều tâm huyết...
Bước ra phòng thí nghiệm để... đi rừng
TS Đỗ Ngọc Đài - một trong 70 nhà khoa học tiêu biểu của cả nước được lựa chọn để gặp gỡ, đối thoại cùng Thủ tướng năm 2015 - nhắc lại: nhiều lần, cảm hứng khoa học của ông được lan tỏa bởi GS Trần Đình Thắng, từ những ngày ông được GS hướng dẫn khoa học: “Thầy có niềm đam mê bất tận với nghiên cứu khoa học. Mỗi ngày làm việc với thầy, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn...”.
Xuất thân là dân hóa học, nhưng thực tế mấy năm qua, GS Thắng không chỉ hướng dẫn khoa học với nghiên cứu sinh ngành hóa.
Cùng với các GS, PGS Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, các GS Đài Loan, GS Thắng còn làm đồng hướng dẫn đối với cả các nghiên cứu sinh ngành sinh học mà TS Đỗ Ngọc Đài là một ví dụ.
Từ một nhà khoa học ngành hóa vốn phải gắn chặt với phòng thí nghiệm, để có thêm kiến thức về sinh học, GS Thắng đã không ngần ngại khi bước ra khỏi phòng thí nghiệm, lặn lội đi rừng như một nhà thực vật học chuyên nghiệp.
Cứ vào ngày nghỉ, GS Thắng lại xách balô lên đường, vào rừng, đến các khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia kiếm tìm loài nấm, loài thực vật mới, khám phá các hợp chất mới từ thiên nhiên.
Nếu chỉ để nghiên cứu đặc tính sinh học có khi chỉ cần vài mẫu cây gọn nhẹ làm tiêu bản để phân tích. Nhưng để nghiên cứu thành phần hóa học, nghiên cứu theo hướng liên ngành sinh - hóa - dược mà GS Thắng cùng cộng sự của mình đeo đuổi thì khối lượng mẫu lại thường cần rất lớn.
“Có khi chúng tôi phải vác 20-30kg các mẫu cây khô từ Thừa Thiên - Huế, từ Quảng Bình... ra Nghệ An.
Trên ôtô khách, không ai nghĩ chúng tôi là nhà khoa học. Nhiều người tò mò tưởng chúng tôi đang đi... buôn thuốc nam!” - TS Đài kể.
Những chuyến đi khảo sát và thu mẫu xa nhà dài ngày không chỉ mất công sức, mà vào nơi rừng sâu còn khó đi và dễ bị lạc. Vì vậy các nhà khoa học phải bỏ tiền túi thuê người bản địa dẫn đường.
|
GS Trần Đình Thắng trong một chuyến đi sưu tầm mẫu cây làm tiêu bản nghiên cứu - Ảnh: NVCC |
Không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài
Thành quả nghiên cứu nổi bật của GS Thắng đang được cộng đồng khoa học đặc biệt chú ý chính là công nghệ phân lập, nuôi cấy, chiết xuất các hợp chất có hoạt tính sinh học cao từ nấm lớn vùng Bắc Trung bộ để phát triển thuốc mới và thực phẩm chức năng.
Tìm kiếm nấm lớn để nghiên cứu khó hơn nhiều so với các loài thực vật khác. Nấm chỉ xuất hiện trên những xác cây to đã đổ, mục sau những trận mưa dài ngày, thậm chí phải sau những đợt mưa dai dẳng kéo dài cả tháng trời.
Vậy là bất chấp thời tiết khắc nghiệt, đường đi trơn trượt, khó khăn, cứ chờ trời mưa GS Thắng cùng các cộng sự lại hối hả lên đường tìm nấm.
“Nhiều nghiên cứu của chúng ta bị phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu của nước ngoài. Nghiên cứu khoa học là một quy trình khép kín, chỉ làm được một khâu như phân tích, chiết xuất hợp chất... mà bị động về nguyên liệu thì kết quả sẽ rất hạn chế.
Chọn nghiên cứu về nấm lớn của Việt Nam dù gặp khó khăn (vì trong nước còn ít chuyên gia phân loại về nấm) nhưng đổi lại, nấm mọc trong rừng Việt Nam nên chúng tôi chủ động và làm chủ các khâu, từ nguyên liệu đầu vào cho đến kết quả đầu ra” - GS Thắng nói.
Tuy nhiên, thực tế để kết quả nghiên cứu thực sự có giá trị, GS Thắng không chỉ tận dụng nguồn lực trong nước mà còn kết nối với các nhà khoa học nước ngoài, tận dụng điều kiện hiện đại của các phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế...
Nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên đang mở ra nhiều tiềm năng với khoa học Việt Nam, bởi đặc điểm khí hậu của một nước nhiệt đới có sự đa dạng sinh học đặc biệt. Tuy nhiên, việc tìm mẫu thực vật trên nền đa dạng sinh học ấy không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
“Có năm, trên đường vào Phong Nha - Kẻ Bàng, chúng tôi tìm thấy một loài mới có nhiều đặc tính thú vị, sau này được công bố trên một số tạp chí quốc tế.
Nhưng chỉ một năm sau, quay lại tìm đúng nơi đã có loài mới thì không còn dấu vết gì. Sự biến mất của sinh vật có thể do biến đổi khí hậu, do thói quen du canh, du cư của người dân, cũng có thể do việc làm thủy điện. Chúng tôi lại phải kiên trì vào sâu hơn, đi xa hơn...” - GS Thắng kể.
Hôm nay 5-11, lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia Việt Nam. Năm 2016, cả nước có thêm 65 GS và 638 PGS. GS Trần Đình Thắng, sinh năm 1975, phó trưởng khoa hóa học Trường ĐH Vinh, Nghệ An, là GS trẻ nhất trong 65 nhà giáo được công nhận chức danh GS năm 2016. GS Trần Đình Thắng đã xuất bản bốn cuốn sách và tham gia sáu chương trong ba cuốn sách quốc tế, đã công bố 140 bài báo khoa học, trong đó có 75 bài báo quốc tế (SCI, SCIE)... |
“Được đào tạo trong nước không phải là thiệt thòi” Sở hữu 75 công bố quốc tế trên các tạp chí ISI có uy tín, tham gia viết trong một số cuốn sách quốc tế nhưng GS Thắng tự nhận mình là “sản phẩm giáo dục made in Việt Nam”, được đào tạo hoàn toàn tại các cơ sở giáo dục trong nước, từ đại học đến bậc đào tạo tiến sĩ. Chuyến xuất ngoại đầu tiên của GS Thắng cũng tới khá muộn, và điểm đến không phải là một nơi quá xa xôi. 28 tuổi, lần đầu GS Thắng được theo chân thầy hướng dẫn đến Côn Minh, Trung Quốc tham dự hội nghị khoa học quốc tế về sản phẩm thiên nhiên. “Đó là dấu mốc đặc biệt, lần đầu được gặp các nhà khoa học các nước. Tôi được mở mang tầm nhìn, bắt đầu đặt những mục tiêu xa hơn...” - GS Thắng nói. Ý tưởng liên kết với các nhà khoa học các nước khác, cùng nghiên cứu tìm các hợp chất thiên nhiên từ loài nấm - loài cây của Việt Nam, được nuôi dưỡng từ chính các hội thảo quốc tế, mà sau này GS Thắng có điều kiện tham gia nhiều hơn. Vị giáo sư “made in Việt Nam” rốt cuộc lại là người kết nối để xây dựng được nhóm nghiên cứu quốc tế liên ngành hóa - sinh - dược - công nghệ thực phẩm đầu tiên, gồm các nhà khoa học trong và ngoài nước (Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan...), chuyên nghiên cứu về các hợp chất có hoạt tính sinh học của nấm lớn ở Việt Nam. Đến nay, từ các kết quả nghiên cứu, GS Thắng cùng các cộng sự đã chuyển giao công nghệ một số chủng nấm có hoạt tính sinh học cho Công ty BIO-ANHA, chuẩn bị chuyển giao quy trình sản xuất thực phẩm chức năng kháng viêm từ loài nấm Hexagonia cho công ty dược phẩm. “GS có thấy mình thiệt thòi vì điều kiện nghiên cứu trong nước còn nhiều hạn chế? Nếu được đào tạo ở nước ngoài, thời gian đi đến thành công có thể ngắn hơn?”. Đáp lại băn khoăn này, GS Thắng chỉ cười hiền: “Tôi không coi việc được đào tạo hoàn toàn trong nước là thiệt thòi. Nhiều người đi học nước ngoài khi trở về có khi lại mất nhiều thời gian mới thích nghi môi trường làm việc trong nước. Với tôi, điều kiện nghiên cứu trong nước dù còn hạn chế nhưng nhà khoa học vẫn có thể tận dụng nguồn lực tại chỗ, kết hợp với việc “nối mạng” với các nhà khoa học quốc tế để nhân lên giá trị nghiên cứu của mình”. Giờ đây, dù đã được công nhận chức danh khoa học cao nhất nhưng GS Trần Đình Thắng vẫn bền bỉ “ăn, ngủ cùng phòng thí nghiệm” với đích đến cuối cùng là cho ra đời những sản phẩm dược liệu có giá trị cao phục vụ đời sống... |
NGỌC HÀ