1. Thông tin chung về Viện

Tên viện: VIỆN CÔNG NGHỆ HÓA SINH VÀ MÔI TRƯỜNG

Địa chỉ: 182, đường Lê Duẩn, Thành phố Vinh, Nghệ An

Điện thoại: 0383855697.

2. Sơ lược lịch sử phát triển của Viện

            Ngày 16/07/1959, Phân hiệu ĐHSP Vinh được thành lập theo Nghị định số 375/NĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục với 2 ngành đào tạo là Toán và Văn. Do có nhiều thành tích trong đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất, do nhu cầu của xã hội nên vào tháng 8 năm 1961, Bộ Giáo dục đã cho phép Phân hiệu ĐHSP Vinh mở thêm 3 ngành học mới: Vật lý, Hoá học và Sinh học.

            Ngày 28/08/1962, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ra Quyết định số 637/QĐ đổi tên Phân hiệu ĐHSP Vinh thành Trường ĐHSP Vinh. Theo Quyết định này, Bộ đã quyết định thành lập 3 khoa: khoa Toán, khoa Văn và khoa Lý - Hoá - Sinh.

            Từ năm học 1962-1963 đến tháng 04/1965, cán bộ, giáo viên và sinh viên của khoa được chuyển về khu vực xây dựng mới (phường Hưng Bình ngày nay). Đầu năm học 1963-1964, theo Quyết định của Bộ Giáo dục, khoa Lý - Hoá - Sinh được tách thành 2 khoa là khoa Lý và khoa Hoá - Sinh. Đến tháng 11/1965, khoa Hoá - Sinh được tách thành 2 khoa, khoa Sinh học được thành lập, Buổi đầu thành lập (1961) Khoa mới chỉ có 3 CBGD với 42 sinh viên nên Khoa phải mời thỉnh giảng từ các trường ĐHSP Hà Nội và ĐH Tổng hợp Hà Nội. Công tác đào tạo trong những năm học đầu là một quá trình phấn đấu liên tục, từ việc xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, cơ sở vật chất và nhất là đội ngũ giáo viên. Mục tiêu, nội dung, chương trình và thời gian đào tạo lúc đầu là 2 năm, từ năm học 1963-1964 đến 1968-1969 thực hiện chương trình đào tạo 2+1 (đào tạo 3 năm). Từ năm học 1969-1970 đến nay, hệ ĐHSP được đào tạo 4 năm.

            Giai đoạn 1973 -1990: Năm 1973, kết thúc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Khoa cùng Trường trở lại thành phố Vinh. Từ năm học 1976 - 1977, Khoa chuyển hướng đào tạo giáo viên dạy 2 môn Sinh và Kỹ thuật nông nghiệp.

            Khoa Sinh học là một trong những khoa đầu tiên của Trường thực hiện chủ trương đa dạng hóa phương thức và loại hình đào tạo. Từ năm học 1991-1992, Khoa được Nhà trường giao nhiệm vụ liên kết với trường Đại học Thuỷ sản Nha Trang đào tạo hệ Kỹ sư Nuôi trồng thuỷ sản. Đến năm học 2002 - 2003, hệ đào tạo này được chuyển giao cho khoa Nông - Lâm - Ngư.

            Từ năm học 1999 - 2000, Khoa bắt đầu đào tạo hệ Cử nhân khoa học Sinh học hệ chính quy (đào tạo 4 năm) và hệ Tại chức tập trung (5 năm). Khoa cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo hệ Cử nhân khoa học Môi trường hệ chính quy và bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2006 - 2007.

            Đối với bậc đào tạo sau đại học, từ năm 1993, Khoa bắt đầu đào tạo Cao học - Thạc sỹ với 04 chuyên ngành: Thực vật học, Động vật học, Phương pháp giảng dạy, Sinh học thực nghiệm và 01 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ là Thực vật học.

            Tháng 04/2017 theo chủ trương tái cấu trúc của trường, khoa Sinh học và một bộ phận khoa Hóa học được sát nhập thành lập Viện Công nghệ Hóa Sinh Môi trường ngày nay. Viện có 03 bộ môn: Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Bộ môn Hóa dược và Phân tích kiểm nghiệm, Bộ môn Công nghệ Sinh học – Môi trường.

            Trong 55 năm qua, Viện đã đào tạo được gần 3.000 cử nhân sư phạm, 300 Cử nhân khoa học Sinh học, 598 Cử nhân khoa học Sinh học hệ tại chức, 607 kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản, 59 cao học, 300 thạc sỹ và 10 tiến sĩ.

            Hiện nay, Viện có 25 cán bộ giảng dạy (trong đó có 1 GS, 1 PGS, 10 TS, 13 ThS), 02 cán bộ văn phòng. Ngoài ra, Viện còn có đội ngũ cán bộ thỉnh giảng đang công tác tại các khoa viện trong trường và các bệnh viện trên địa bàn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm của viện đã được trang bị khá hiện đại và đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học hiện nay trong các lĩnh vực: Sinh học, Môi trường, Công nghệ sinh học, Hóa Dược và một số lĩnh vực khác. Viện có các phòng thí nghiệm chuyên ngành: Động vật; Thực vật; Sinh lý người và Động vật; Di truyền - Phương pháp; Vi sinh; Hoá sinh; Sinh lý Thực vật, Môi trường 1 PTN Sinh học Trung tâm, 1 Bảo tàng Sinh học, 1 PTN Nuôi cấy mô – TBTV, PTN Hóa Dược, PTN Công nghệ thực phẩm.

            Với phương châm giảng dạy gắn liền với NCKH, sản xuất và đời sống, nhiều cán bộ của viện đã chủ trì một số đề tài nhánh cấp Nhà nước, hàng chục đề tài cấp Bộ và một số Dự án khoa học. Trong những năm gần đây, Cán bộ giảng dạy viện đã chủ trì 18 đề tài cấp Bộ, 4 đề tài nghiên cứu cơ bản, 50 đề tài cấp trường và hàng trăm bài báo được công bố trong các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Nhiều Hội thảo cấp quốc gia và cấp khu vực đã tổ chức thành công tại Viện như hội thảo Đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn, hội thảo xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, Hội thảo Quốc gia về Lưỡng cư và bò sát ở Việt Nam... Những lĩnh vực khoa học mà Viện có đầy đủ khả năng để thực hiện là: Đa dạng thực vật, Đa dạng động vật, Quản lý và bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học, Phân tích và đánh giá tác động môi trường, Giáo dục môi trường, Tư vấn phát triển bền vững nông thôn và miền núi. Viện đang phấn đấu đẩy nhanh mũi chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các nghiên cứu thực nghiệm, ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

3. Chức năng, nhiệm vụ

- Chức năng:

+ Đào tạo cán bộ nghiên cứu về khoa học Sinh học, Hóa dược, Công nghệ Thực phẩm có trình độ Cử nhân các ngành: Cử nhân khoa học Sinh học, Cử nhân khoa học Môi trường, Kỹ sư Kỹ thuật hóa học, Kỹ sư Công nghệ thực phẩm.

+ Nghiên cứu khoa học.

- Nhiệm vụ:

+ Đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp phù hợp với trình độ được đào tạo.

+ Đào tạo Cử nhân Sư phạm Sinh học, Cử nhân khoa học Sinh học, Cử nhân khoa học Môi trường.

+ Đào tạo liên thông từ Cao đẳng lên Đại học.

+ Đào tạo Sau đại học trình độ Thạc sỹ chuyên ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy bộ môn Sinh học, Động vật học, Thực vật học, Sinh học thực nghiệm.

+ Đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Thực vật học.

+ Nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

+ Hợp tác quốc tế trong đào tạo Sau đại học và nghiên cứu khoa học.

4. Cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ

- Cơ cấu về số lượng:

Viện có tổng số 25 cán bộ, trong đó 23 cán bộ giảng dạy và 2 chuyên viên là cán bộ hành chính.

- Cơ cấu về trình độ của đội ngũ cán bộ giảng dạy: 1 GS, 1 PGS, 10 Tiến sĩ, 13 Thạc sĩ. Ngoài ra, có 1 GS và 1 PGS nguyên là cán bộ giảng dạy của Viện hiện vẫn đang tham gia giảng dạy và đào tạo sau đại học; 03 Tiến sĩ là cán bộ của khoa đang đảm nhiệm các chức vụ quản lí ở đơn vị trực thuộc trường. 

- Ban lãnh đạo Viện:

+ Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy bộ phận: PGS. TS. Cao Tiến Trung

+ Phó Viện trưởng: Bí thư chi bộ cán bộ: TS. Hoàng Vĩnh Phú

+ Phó Viện trưởng: GS. TS Trần Đình Thắng. 

- Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện:

TT

Họ và tên

Học hàm,

Học vị

Chuyên ngành

Ghi chú

1.        

Cao Tiến Trung

PGS. TS.

Giải phẫu người và động vật

Viện trưởng

Chủ tịch HĐ KH&ĐT

2.        

Nguyễn Ngọc Hiền

TS.

Y học

Ủy viên Hội đồng

3.        

Nguyễn  Ngọc Hòa

TS.

Thần Kinh

Ủy viên Hội đồng

4.        

Lê Công Phượng

BS.

Y học

Ủy viên Hội đồng

5.        

Trần Đình Thắng

GS.TS.

Hợp chất thiên nhiên, Hóa dược

Phó viện trưởng

Ủy viên Hội đồng

6.        

Hoàng Thị Ái Khuê

PGS. TS.

Giải phẫu sinh lý người 

Ủy viên Hội đồng

7.        

Nguyễn Ngọc Hợi

PGS. TS.

Giải phẫu sinh lý người 

Ủy viên Hội đồng

8.        

Hoàng Vĩnh Phú

TS.

Công nghệ sinh học

Phó viện trưởng,

Thư ký HĐ KH&ĐT

9.        

Ông Vĩnh An

TS.

Động vật học

Trưởng bộ môn Động vật

Ủy viên Hội đồng

10.    

Nguyễn Thị Giang An

TS.

Sinh lí người

Ủy viên Hội đồng

11.    

Hoàng Ngọc Thảo

PGS. TS.

Động vật học

Ủy viên Hội đồng

12.    

Phan Xuân Thiệu

TS.

Hóa sinh và sinh học phân tử

Ủy viên Hội đồng

13.    

Tôn Thị Bích Hoài

TS.

Sinh lý người

Ủy viên Hội đồng

14.    

Nguyễn Thị Thảo

TS.

Di truyền học

Ủy viên Hội đồng

15.    

Lê Quang Vượng

TS.

Sinh lý  thực vật

Ủy viên Hội đồng

 

- Viện có 03 Bộ môn đảm nhận công tác giảng dạy:

+ Bộ môn Giải phẫu Người và Động vật - Sinh lý người

+ Bộ môn Hóa dược và Phân tích kiểm nghiệm.

+ Bộ môn Công nghệ sinh học và Môi trường.

5. Hoạt động đào tạo

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của mình, Viện luôn xác định hoạt động đào tạo là một trong những nhiệm vụ cơ bản và trọng tâm, lấy chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu.

- Hệ đại học chính quy:

Đây là hệ đào tạo chủ chốt của Viện. Từ khi thành lập ban đầu năm 1961 với ngành đào tạo chính là Sư phạm Sinh học và Kỹ thuật nông nghiệp.

Đến năm 1991, với chủ trương đa dạng hóa hình thức đào tạo, Viện đã liên kết với trường Đại học Thuỷ sản Nha Trang đào tạo hệ Kỹ sư Nuôi trồng thuỷ sản. Cho đến khi chuyển giao cho Khoa Nông Lâm Ngư, khoa đã đào tạo 607 kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản.

            Năm học 1999-2000, Viện bắt đầu đào tạo hệ Cử nhân khoa học Sinh học hệ chính quy (đào tạo 4 năm) và hệ Tại chức tập trung (5 năm).

            Từ năm học 2006-2007, Viện cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo Cử nhân khoa học Môi trường, Kỹ sư Công nghệ thực phẩm hệ chính quy.

            Từ năm học 2012-2013, Viện đào tạo thêm ngành Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật Hóa học (Hóa Dược) hệ chính quy.

Trong 55 năm qua, Viện đã đào tạo được gần 3.000 cử nhân sư phạm, 300 Cử nhân khoa học Sinh học, 598 Cử nhân khoa học Sinh học hệ tại chức, 607 kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản, 59 cao học, 300 thạc sỹ và 10 tiến sĩ. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà trường, tất cả các mã ngành đào tạo đại học chính quy đã được xây dựng Khung chương trình đào tạo, đề cương chi tiết các học phần. Khung chương trình đào tạo được xây dựng mang tính hiện đại, khoa học và cập nhật. Hàng năm, Hội đồng Khoa học và đào tạo của Viện đều có kế hoạch cập nhật bổ sung đối với khung chương trình và đề cương chi tiết cho phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của xã hội.

Từ năm học 2007- 2008, cùng với toàn Trường, các ngành đào tạo chính quy của Viện đã chuyển sang phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Hoạt động đào tạo hệ đại học chính quy của Viện luôn được thực hiện đứng quy chế, đúng kế hoạch của Nhà trường. Các hoạt động dạy, học, thi và đánh giá được tổ chức một cách cơ bản, khoa học, công bằng và khách quan. Ngoài ra, Viện còn tổ chức ban Thanh tra chuyên môn làm việc độc lập với trường nhằm nâng cao chất lượng, ý thức giảng dạy của đội ngũ giảng viên.

Bên cạnh đó, Viện cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan trong việc tổ chức cho sinh viên đi thực tập đối với các ngành đào tạo Cử nhân Sinh học, Khoa học Môi trường, Công nghệ thực phẩm và Công nghệ kỹ thuật Hóa học (Hóa Dược) nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp khi ra trường.

- Hệ đào tạo Sau đại học:

Từ năm 1993, Viện bắt đầu đào tạo Cao học - Thạc sỹ với 04 chuyên ngành: Thực vật học, Động vật học, Phương pháp giảng dạy, Sinh học thực nghiệm và 01 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ là Thực vật học.

            Cùng với đào tạo đại học, Viện cũng xác định đào tạo sau đại học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và có tính chiến lược lâu dài, đồng thời sẽ góp phần nâng cao uy tín của Viện của Trường. Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, Viện còn mời thêm cán bộ thỉnh giảng ở các Trường Đại học, Viện nghiên cứu về giảng dạy và tham gia hướng dẫn: Trường ĐHQG Hà Nội, Trường ĐHSP Hà Nội, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật... Một số chuyên ngành còn có sự hợp tác với các Trường đại học có uy tín trên thế giới như đại học Kent, đại học Cambrigde (vương quốc Anh) sang giảng dạy các chuyên đề.

            Bên cạnh đó, chương trình học cũng được biên soạn công phu, nghiêm túc và cập nhật kiến thực mới, hiện đại. Nhiều giáo trình, sách chuyên khảo dành cho đào tạo Sau đại học cũng được biên soạn phục vụ cho giảng dạy. Quy mô đào tạo được mở rộng bên ngoài trường như Đại học Sài Gòn, đại học Long An, đại học Đồng Tháp.            Hiện tại, Viện có 128 học viên cao học đang học tập trung ở trong và ngoài trường, 3 nghiên cứu sinh đang tiến hành thực hiện đề tài, 1 nghiên cứu sinh chuẩn bị bảo vệ cấp cơ sở.

6. Hoạt động nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trong tâm hàng đầu của một Viện chuyên về nghiên cứu thực nghiệm nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng dạy tập trung vào các mảng chủ yếu sau đây:

- Hướng nghiên cứu cơ bản gồm: điều tra nghiên cứu đa dạng sinh học nguồn tài nguyên động, thực vật; nghiên cứu bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm, có giá trị.

- Hướng nghiên cứu ứng dụng, gồm các lĩnh vực:

+ Nghiên cứu cơ sở thuần hóa khai thác các nguồn gen động vật quý hiếm và có giá trị phục vụ phát triển kinh tế.

+ Nghiên cứu các biện pháp sử dụng thiên địch trong phòng trừ sâu hại trên hệ sinh thái nông nghiệp.

+ Nghiên cứu các đối tượng vi sinh vật áp dụng trong xử lý các loại chất thải và bảo vệ môi trường.

+ Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường.

Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, đội ngũ cán bộ trong Viện đã thực hiện 56 đề tài, dự án khoa học công nghệ các cấp. Nhiều đề tài được áp dụng trong thực tiễn.

- Công bố  khoa học:

+ Cán bộ trong Viện đã và đang viết bài, công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành như: Tạp chí Sinh học, Tạp chí Công nghệ Sinh học, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí khoa học và công nghệ (ĐHQG Hà Nội), Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh, Tạp chí Y học Việt Nam..., đồng thời tham gia các Hội nghị, Hội thảo toàn quốc về Sinh thái và tài nguyên Sinh vật, Nghiên cứu cơ bản trong Khoa học Sự sống, Hội thảo quốc gia về Lưỡng cư Bò sát ở Việt Nam.

+ Với những nghiên cứu có chất lượng cao, có giá trị lớn về khoa học, việc công bố quốc tế cũng được chú trọng. Cán bộ trong Viện đã có bài đăng tải trên các tạp chí quốc tế có uy tín như: Phytochemistry, Plant Science, Acta Physiologiae Plantarum, Journal of Herpetology; Zootaxa; Zoosyst. Evol.; Journal of Australia National Museum; Biologia; Journal of Food and Nutrition Research; Journal of Biotechnology; Journal of Applied Mathematics and Computational Mechanics; Applied Optics; Optical and Quantum Electronics hay trong Kỷ yếu các hội nghị khoa học quốc tế như Proceedings of the International Conference "Fundamental and applied problems of obtaining new materials” - Russia; Proceeding of Rajamangala University of Technology International Conference (RMUTIC),

Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, cán bộ giảng dạy của Viện đã đăng tải hơn 250 bài báo trên các Tạp chí và Kỷ yếu khoa học trong và ngoài nước.

- Hợp tác quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học: đội ngũ cán bộ của khoa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, có mối quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức, cá nhân như Trường đại học Cambridge, đại học Kent (Vương quốc Anh), Bảo tàng tự nhiên Austrailia...

Một số cán bộ là thành viên của tổ chức IUCN, tổ chức bảo tồn chim châu Á Birdlife; tổ chức bảo tồn rùa Đông Dương; Các cán bộ trước đây làm Luận án TS ở nước ngoài, nay vẫn duy trì mối liên hệ, hợp tác với GS hướng dẫn và các nhà khoa học ở nước sở tại: Châu Âu, Nga, Nhật Bản.

- Tổ chức các Hội thảo cấp quốc gia và khu vực nhằm trao đổi các vấn đề về nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm giảng dạy và đào tạo. Hội thảo quốc tế về bảo tồn Sao la (Quỹ sáng kiến Darwin), Hội thảo Sinh học quốc tế.

- Các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng được chú trọng. Nhiều nghiên cứu của sinh viên và học viên cao học được đánh giá cao và có chất lượng tốt. Nhiều nghiên cứu được gửi đi tham dự Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Đến nay, sinh viên của Viện đã đạt 1 giải Nhì, 7 giải Khuyến khích do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng.

7. Cơ sở vật chất

- Hệ thống cơ sở vật chất của Viện được nhà trường bố trí gồm: hệ thống phòng học, Văn phòng Viện, Phòng làm việc của Ban lãnh đạo Viện, 5 phòng sinh hoạt tổ chuyên môn, hệ thống phòng thực hành bộ môn với đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động dạy, học, nghiên cứu khoa học. 

8. Thành tích và khen thưởng

- Trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, với những thành tích đạt được trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Viện đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, nhiều lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

                                                                                                                                                                                                                                                              Viện CN HS-MT