Đa số các phụ huynh và học sinh đều mong muốn chọn
được cho con em mình và bản thân mộn ngành nghề phù hợp, ổn định và dễ xin việc
khi ra trường và điểm chuẩn không cao. Một mặt, số lượng sinh viên đào tạo hàng
năm ít, đào tạo chất lượng, mặt khác, sinh viên học ít, không mang tính phổ biến
và cạnh tranh nhiều như Kế toán, Kinh tế, Luật, Ngân hàng. Tuy nhiên, để chọn
được ngành phù hợp thật sự không phải đơn giản đối với học sinh và phụ huynh,
khi việc định hướng nghề nghiệp ở phổ thông còn nhiều hạn chế, học sinh theo định
hướng của cha mẹ, học theo xu hướng và theo bạn bè. Chúng tôi giới thiệu với
các bậc phụ huynh và các em học sinh một số ngành nghề dễ xin việc trong vòng 4
năm tới để tham khảo.
1). Ngành Khoa học môi trường
Ngành Khoa học môi trường
thuộc Khối ngành đào tạo Nông lâm ngư, Môi trường của Trường Đại học Vinh. Những
năm gần đây, khối ngành Nông lâm ngư-Môi trường rất ít được thí sinh và phụ
huynh quan tâm, sợ ít việc và vất vả. Tuy nhiên, trong những năm qua, Đảng và
Nhà nước ta rất quan tâm đến lĩnh vực Nông lâm ngư – Môi trường để thúc đẩy sản
xuất, tiếp cận lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt
là bảo vệ môi trường, một việc hết sức cấp bách của mỗi quốc gia. Vì vậy, các
ngành thuộc khối ngành Nông lâm ngư – Môi trường có rất nhiều cơ hội kiếm việc,
nhất là lĩnh vực môi trường. Khối ngành Nông lâm ngư – Môi trường có các ngành
Nông học, Nuôi trồng thủy sản, Khoa học môi trường, Quản lý tài nguyên và môi
trường, Công nghệ sinh học, Quản lý đất đai, Khuyến nông và Chăn nuôi. Các
ngành Nông học, Nuôi trồng thủy sản, Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản lý
đất đai, Khuyến nông và Chăn nuôi được đào tạo ở cơ sở 2, Đại học Vinh (Nghi
Ân) thuộc Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, riêng ngành Khoa học môi trường và
Công nghệ sinh học được đào tạo ở cơ sở 1, Đại học Vinh (Bến Thủy) thuộc Viện
Công nghệ Hóa Sinh-Môi trường.
Điều dễ nhận thấy ở các
thí sinh và phụ huynh không muốn cho con học ngành Khoa học môi trường vì sợ
khó xin việc làm ở cơ quan nhà nước và chỉ làm việc với rác thải. Tuy nhiên, nếu
hiểu đúng, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Khoa học môi trường rất nhiều,
nhu cầu rất lớn, đặc biệt ở khu vực phía Nam, các nhà máy, khu công nghiệp. Một
số lĩnh vực làm việc mà cử nhân Khoa học môi trường có thể làm việc sau khi ra
trường:
- Chuyên viên cơ quan
quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng
cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Tài
nguyên và Môi trường hay các bộ phận chuyên môn Tài nguyên và Môi trường thuộc
các cơ quan quản lý khác;
- Nghiên cứu viên ở các
cơ quan nghiên cứu, chuyển giao Khoa học và công nghệ như Viện, Trung tâm về
Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội, Đại học, Trung tâm tư vấn;
- Giảng dạy ở các cơ sở
giáo dục đại học, cao đẳng có đào tạo các ngành môi trường;
- Chuyên viên các cơ sở
y tế gồm Trung tâm Y tế dự phòng và Bệnh
viện;
- Cán bộ kỹ thuật, nhân
viên ở các doanh nghiệp về môi trường như Công ty Môi trường Đô thị, Công ty cấp
thoát nước, Công ty hạ tầng Khu đô thị, Công ty tư vấn Môi trường, Công ty xử
lý môi trường;
- Chuyên viên ở các
trung tâm bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia;
- Cán bộ kỹ thuật ở các
phòng/bộ phận về môi trường ở nhà máy, doanh nghiệp như phòng ISO, phòng quản
lý môi trường, trạm xử lý nước thải, phòng vệ sinh an toàn lao động;
- Sĩ quan, chiến sĩ ở
các phòng cảnh sát môi trường;
- Nhân viên các tổ chức
phi chính phủ (NGOs), các dự án liên quan đến môi trường.
Điểm trúng tuyển Khoa học
Môi trường cũng không cao, 13.5 điểm với
các tổ hợp xét tuyển A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D01 (Toán,
Văn, Anh) cho 70 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018. Ngoài ra, còn xét tuyển học bạ
THPT các tổ hợp xét tuyển trên.
2).
Ngành Công nghệ sinh học
Ngành Công nghệ Sinh học
cũng thuộc Khối ngành đào tạo Nông lâm ngư, Môi trường của Trường Đại học Vinh
được đào tạo ở cơ sở 1 với chỉ tiêu tuyển
sinh rất lớn 130 chỉ tiêu, điểm xét tuyển là 14,0 điểm, cùng tổ hợp xét tuyển A00
(Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D01 (Toán, Văn, Anh) và xét tuyển học bạ
THPT.
Công
nghệ sinh học là khoa học ứng dụng các kiến thức sinh học, quy trình công nghệ
và thiết bị để tạo ra các sản phẩm thương mại có giá trị cao ở quy mô công nghiệp
nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành.
Công nghệ sinh học là
lĩnh vực đa ngành và liên ngành, gắn kết với nhiều lĩnh vực trong sản xuất và
cuộc sống như: chọn tạo giống cây trồng vật nuôi mang các đặc tính mới (trồng
trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản); chế biến và bảo quản thực phẩm; sản
xuất các chế phẩm sinh học sử dụng trong nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật; ứng
dụng trong y học và dược phẩm, chẩn đoán bệnh; xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải.
Các cử nhân/kỹ sư tốt nghiệp ngành Công nghệ Sinh học có rất
nhiều cơ hội việc làm như:
- Giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng;
- Nghiên cứu viên tại Trung tâm và Viện nghiên cứu;
- Nhân viên Phát
triển sản phẩm tại phòng R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) của
các công ty;
- Kỹ thuật viên xét nghiệm tại các Bệnh viện,
Trung tâm Y tế dự phòng các tuyến từ Trung ương tới huyện, các Bệnh viện và
phòng khám tư nhân;
- Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm làm việc tại các phòng
thí nghiệm phân tích, phòng kiểm nghiệm, phòng KCS, phòng QC của các trung tâm
kiểm nghiệm, công ty sản xuất dược và thực phẩm chức năng, công ty sản xuất sản
phẩm công nghệ sinh học, các trung tâm xét nghiệm ADN huyết thống tư
nhân;
- Giáo
viên dạy môn Sinh học tại các trường phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường
xuyên;
- Chuyên viên quản lý
Khoa học và Công nghệ của cơ quan quản lý khoa học ngang Bộ và trực thuộc Bộ;
- Kinh doanh hóa chất và thiết bị vật tư Công
nghệ sinh học và y dược.
- Cán bộ cho các công ty cung cấp hóa chất
và thiết bị nước ngoài có mặt tại Việt Nam như Unilever, Kimberly, San Miguel, Dutch
Lady, các Công ty thức ăn chăn nuôi như CP, PROCONCO, VINA, UP, GREENFEED.
Theo dự báo về nhân lực Công nghệ Sinh học trong các lĩnh vực
chăn nuôi, nông nghiệp, ngư nghiệp, y dược, môi trường, thực phẩm của TP Hồ Chí
Minh thì hàng năm có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.000 lao động. Với xu thế phát
triển ở các thành phố lớn như Đà Nằng, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng... nhu cầu về
nhân lực Công nghệ Sinh học sẽ ngày càng tăng. Trong tương lai, nhu cầu nhân lực
về Công nghệ Sinh học, đặc biệt là Công nghệ Sinh học nông nghiệp và Công nghệ
Sinh học y dược khu vực Bắc Trung Bộ hiện sẽ ngày càng tăng.