Lê Thị Luyến, Cựu sinh viên K47 - KHMT, Khoa Sinh học, Trường Đại học Vinh.
Công tác: Trưởng phòng Tư vấn môi trường, Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ môi trường Hà Nội.
Tôi đến với Ngành Môi trường từ một câu nói của thầy giáo dạy môn Sinh học khi tôi mới bước chân vào cổng trường Trung học phổ thông. Tôi vẫn còn nhớ ngày ấy, cách đây 14 năm “Thầy bảo với tôi rằng, trường Đại Học Vinh sắp tới sẽ mở ngành Môi trường đó, em cố gắng học tốt rồi thi vào ngành môi trường”. Khi đó, tôi không hiểu ngành môi trường là gì, sẽ làm công việc gì, khi đó tôi chỉ cảm thấy hai chữ “Môi trường” có gì đó quen thuộc với cuộc sống hàng ngày và tôi bắt đầu tìm hiểu ngành học về môi trường, tầm quan trọng cũng như những kiến thức, công việc và cơ hội việc làm liên quan đến nó. Sau khi tìm hiểu, tôi càng thấy hứng thú hơn, càng yêu thích hơn để từ một cô bé chuyên Văn, tôi đã chuyển sang học Toán, Hóa, Sinh để có cơ hội thi tuyển vào Ngành Môi trường - Trường Đại Học Vinh. Và rồi, tôi đã ghi tên mình vào ngôi trường trên đất Nghệ, Trường Đại học Vinh, hòa mình với tập thể K47- KHMT.
Khi đó lớp K47KHMT là khóa học đầu tiên về ngành môi trường. Mặc dầu, thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo trình chuyên ngành nhưng bằng sự yêu nghề, các thầy cô đã không quản khó khăn ngày đêm nghiên cứu để truyền đạt lại những kiến thức cơ bản về ngành môi trường. Ngoài ra, với những buổi học thực nghiệm, nhưng chuyến đi thực tế cũng cho tôi những trải nghiệm thực sự thú vị, để sau 4 năm học tập và nghiên cứu, tôi đã phần nào giải đáp được câu hỏi “Ngành môi trường là gì?”. Đó chính là ngành học nghiên cứu về mối quan hệ và tương tác qua lại giữa con người với con người, giữa con người với thế giới sinh vật và môi trường vật lý xung quanh. Mục đích cuối cùng của ngành là bảo vệ và cải thiện môi trường sống của con người trên Trái Đất.
Giờ đây, sau 7 năm rời trường Đại Học Vinh, tôi vẫn theo đuổi nó như một niềm đam mê, tôi đã có một công việc yêu thích và chưa một lần tôi thấy hối hận vì quyết định gắn bó với ngành môi trường. Tôi yêu Môi trường!
Cơ hội làm việc đối với ngành môi trường
Ngành môi trường có vai trò qua trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng vai trò trụ cột trong sự phát triển bên vững của quốc gia. Do đó, cơ hội việc làm đối với ngành môi trường là rất lớn.
Dưới đây là một số nghề đối với ngành môi trường:
+ Nhà khoa học môi trường
Công việc chính của nhà khoa học môi trường:
- Nghiên cứu những đặc điểm của các thành phần môi trường tự nhiên hoặc môi trường nhân tạo (khu công nghiệp, đô thị, nông thôn...).
- Nghiên cứu mối quan hệ và tác động qua lại giữa con người với các thành phần của môi trường sống, từ đó tư vấn cho Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội nhằm hạn chế những tác động xấu tới môi trường mà vẫn có thể đem lại lợi ích…
- Nghiên cứu các công cụ quản lý môi trường với các biện pháp về kinh tế, cũng như các biện pháp về pháp luật, xã hội, nhằm bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của vùng, quốc gia cũng như toàn cầu.
- Tư vấn cho các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện chính sách về môi trường sao cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, khai thác tài nguyên hợp lý nhất.
- Là thành viên của các nhà máy với nhiệm vụ tham gia vào quá trình đảm bảo chất lượng môi trường ở địa bàn hoạt động, giúp nhà máy đảm bảo tiêu chuẩn về nước thải, khí thải hay rác thải trước khi thải ra môi trường.
+ Kỹ sư môi trường
Công việc chính của kỹ sư môi trường :
- Nghiên cứu các công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ chất lượng, môi trường sống của con người.
- Thiết kế các quy trình, máy móc xử lí ô nhiễm.
- Khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, quyết định biện pháp, quy trình xử lí ô nhiễm tại khu vực bị ô nhiễm.
- Trực tiếp tham gia vào các công đoạn của quá trình xử lí ô nhiễm, đảm bảo quy trình vận hành tốt nhất, hiệu quả nhất.
- Tham gia nghiên cứu các chỉ tiêu môi trường (chỉ tiêu về nước thải, khí thải v.v…). Những tiêu chuẩn này chính là cơ sở để các nhà môi trường đánh giá xem một nhà máy, xí nghiệp... có gây ô nhiễm môi trường hay không.
- Theo dõi, giám sát các đối tượng thuộc phạm vi quản lý môi trường của mình về mức độ gây hại cho môi trường, để từ đó có những biện pháp xử lý và xử phạt kịp thời.
+ Nhà sinh thái môi trường
Nhiệm vụ chủ yếu là bảo tồn các loài động thực vật hoang dã thông qua các hình thức: tuyên truyền, vận động, giáo dục, đấu tranh chống hoạt động săn bắt động vật quý hiếm.
Địa điểm làm việc đối với ngành môi trường
+ Các cơ quan quản lý, nghiên cứu về môi trường
Cơ quan quản lý môi trường của nhà nước: Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, các sở tài nguyên môi trường tại các tỉnh, thành phố.
+ Cơ quan nghiên cứu vê môi trường không thuộc nhà nước: Các tổ chức phi chính phủ về môi trường, trung tâm, viện nghiên cứu môi trường, các công ty tư nhân về ngành môi trường,..
+ Các nhà máy, xí nghiệp sản xuất
Lê Thị Luyến, Cựu sinh viên 47 KHMT