Với dân số trên 86 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 6,5%/năm, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế. Ngoài những ngành kinh tế kỹ thuật chính (chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; dầu thực vật; chế biến bột và tinh bột; sản xuất bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát; bảo quản nông sản, …), lĩnh vực thực phẩm của nước ta đang ngày càng mở rộng để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nguyên nhân chính là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nhân lực. Nước ta đang thực sự thiếu những người lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực thực phẩm. Vì vậy, học ngành Công nghệ thực phẩm tại khoa Hóa học, trường Đại học Vinh cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chọn cho mình một mảnh đất vô cùng “màu mỡ” để khai thác và thể hiện bản thân với nhiều cơ hội việc làm tại các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng như trong cả nước.

Mục tiêu đào tạo: Chương trình giáo dục đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản để phát triển toàn diện, hệ thống kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực khoa học thực phẩm như các nguyên lý, quy trình công nghệ, kỹ năng vận hành máy, thiết bị cơ bản trong chế biến thực phẩm,... các kiến thức kỹ năng về phân tích và quản lý chất lượng thực phẩm như: HACCP, ISO, GMP, TQM, SA8000 và có thể vận dụng vào các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm.

Chương trình đào tạo bao gồm: Khối kiến thức đại cương, khối kiến thức ngành công nghệ thực phẩm và khối kiến thức chuyên ngành Công nghệ thực phẩm. Trong đó, khối kiến thức chuyên ngành Công nghệ thực phẩm bao gồm hóa thực phẩm; cơ sở thiết kế nhà máy, nguyên liệu và phụ gia thực phẩm; máy thiết bị thực phẩm; công nghệ chế biến nhiệt lạnh; công nghệ bia rượu; dinh dưỡng, độc học và an toàn thực phẩm; bao bì thực phẩm; quản lý chất lượng thực phẩm; vi sinh thực phẩm và phân tích vi sinh; enzym trong công nghệ thực phẩm;...sinh viên sẽ vận dụng những kiến thức và kỹ năng học được để thực hiện đồ án tốt nghiệp tại phòng thí nghiệm hoặc nhà máy, cơ sở sản xuất, quản lý nhà nước về thực phẩm.

Thời gian đào tạo: 5 năm

Môi trường học tập: Theo học ngành Công nghệ thực phẩm tại Đại học Vinh sinh viên không những được trang bị những kiến thức nền tảng đại cương về ngành học mà còn có cơ hội tiếp cận với thực tế thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo với các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, trung tâm phân tích-kiểm nghiệm thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thực phẩm trong cả nước. Sinh viên được học trong môi trường dạy học hiện đại, trang bị đầy đủ trang thiết bị thí nghiệm, thực hành giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu những kiến thức được giảng dạy đồng thời nâng cao các kỹ năng thực hành và hiểu rõ được những đặc trưng, thực tế ngành học. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy là các  phó giáo sư, tiến sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm đem đến cho sinh viên sự đa dạng, cũng như tiếp cận được với nhiều phong cách giảng dạy mới qua đó đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên theo học. 

Có thể làm việc tại:

-  Các công ty và nhà máy chế biến thực phẩm;

-  Các trung tâm phân tích – kiểm nghiệm thực phẩm;

-  Cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm;

-  Trường Đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu về lĩnh vực khoa học thực phẩm.

Có thể đảm nhận công việc:

-  Kỹ sư công nghệ, cán bộ phụ trách kỹ thuật, cán bộ phòng R&D, bộ phận đảm bảo chất lượng (QA) quản lý chất lượng (QC) ở các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm;

-  Cán bộ phân tích chất lượng hoặc cán bộ quản lý nhà nước về thực phẩm.

-  Giảng viên và cán bộ nghiên cứu về khoa học thực phẩm ở các trường Đại học, Cao đẳng, Viện nghiên cứu.

Khả năng học tập nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp:

            Có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ ở bậc học cao hơn trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm.

Điểm chuẩn tuyển sinh năm 2014: 14 điểm

Điểm chuẩn tuyển sinh năm 2015: 15 điểm

Năm 2016: Tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia theo nhóm ngành Kỹ thuật-Công nghệ với 3 tổ hợp môn thi: Toán-Lý-Hóa, Toán-Hóa-Sinh, Toán-Hóa-Anh.